18:00 20/10/2015

“Lợi thế gia đình không ảnh hưởng nhiều đến quy trình cán bộ”

Nguyên Vũ

Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên bí thư Tỉnh ủy Nam Định về công tác cán bộ

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên bí thư Tỉnh ủy Nam Định - Ảnh: Việt Hưng.<br>
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên bí thư Tỉnh ủy Nam Định - Ảnh: Việt Hưng.<br>
Về mặt nào đó, tôi cho rằng lợi thế gia đình không ảnh hưởng nhiều đến quy trình cán bộ”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên bí thư Tỉnh ủy Nam Định trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, chiều 20/10.

Luồng sinh khí mới


Thưa ông, đến thời điểm này, Đại hội Đảng bộ tại nhiều địa phương đã hoàn thành bầu nhân sự cấp ủy của nhiệm kỳ mới. Dư luận đặc biệt quan tâm khi nhiều tỉnh thành đã chọn được những cán bộ rất trẻ, mới chỉ vào độ tuổi 39-40 vào vị trí lãnh đạo cao nhất của tỉnh ủy. Đã từng đảm nhiệm cương vị một bí thư tỉnh ủy, theo ông, đây là một biểu hiện đáng mừng?

Tôi cho rằng đây là một hệ quả tất yếu của công tác cán bộ, qua quá trình quy hoạch, thực hiện công tác quy hoạch và một số quy định về công tác cán bộ như là phải cơ cấu 3 độ tuổi vào trong ban chấp hành đảng bộ, và có một quá trình chuyển biến rất chặt chẽ.

Những cán bộ được quy hoạch ngày càng tỏ ra có bản lĩnh và có kinh nghiệm nên một số lãnh đạo trẻ đã được qua sàng lọc, qua hệ thống đánh giá với từng nấc, từng vị trí công việc rất bài bản.

Tôi hết sức tin tưởng các đồng chí đó sẽ đảm nhiệm tốt những nhiệm vụ của mình, và chắc chắn những đồng chí trẻ thì sẽ có những sinh khí mới, những hiệu quả mới mang lại cho hoạt động của cả tập thể.

Một số ý kiến cho rằng với quy trình làm nhân sự hiện nay thì nếu rơi vào một tập thể không xuôi chiều thì những lá phiếu tín nhiệm có thể tin tưởng được chứ còn nếu vào một tập thể xuôi chiều thì người tín nhiệm cao chưa chắc đã phải là người đủ sức đảm nhiệm ở một vị trí công tác đòi hỏi rất cao như bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương?

Đó cũng là một suy nghĩ tôi cho là bình thường, bởi khi lựa chọn những đồng chí này vào, nhất là vị trí người đứng đầu các địa phương, đơn vị thì lo ngại về khả năng đảm nhận, quá trình lựa chọn có chuẩn xác không là một lo ngại bình thường và trách nhiệm.

Nhưng tôi hết sức tin tưởng rằng về công tác cán bộ, trong tập thể có thể có người này người khác, nhưng những chính kiến và phẩm chất của cán bộ qua lựa chọn của số đông, tôi cho là kết quả sẽ đúng.

Dư luận có một số băn khoăn đặt ra về vấn đề năng lực của những cán bộ trẻ khi nhiều người sớm thành công như vậy đều xuất thân từ gia đình có truyền thống hoạt động chính trị, có một bệ phóng rất rất tốt. Băn khoăn này hẳn là có cơ sở, thưa ông?

Tôi không lo lắng lắm về việc thành phần xuất thân, lịch sử gia đình của mỗi cán bộ, mỗi nhân sự được chọn vì công tác cán bộ được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ, với những bước theo quy định cụ thể, nên đúng là có người suy nghĩ rằng có một lợi thế nào đó đối với những cán bộ trẻ như này.

Nhưng tôi tin rằng đó chỉ là những lo ngại thoáng qua mà cuối cùng những đánh giá của cán bộ, đảng viên là chuẩn nhất, và sau cùng nếu không đủ sức thực hiện nhiệm vụ thì những người dù đã được chọn cũng không được tiếp tục giữ cương vị, đảm nhiệm nhiệm vụ đó.

Về mặt nào đó, tôi cho rằng lợi thế gia đình không ảnh hưởng nhiều đến quy trình cán bộ.

Năng lực là quan trọng nhất


Đã trải qua cương vị một bí thư tỉnh ủy, ông chắc chắn có nhiều đúc rút cho bản thân, vậy, đòi hỏi với một nhân sự ở vị trí này, nếu không xét về độ tuổi, kinh nghiệm, về lợi thế có được thì theo ông, đâu là đòi hỏi cao nhất cần đặt ra với người đó?

Năng lực, phẩm chất đạo đức mới là quan trọng. Từ xưa các cụ nhà mình cũng làm thế thôi, vấn đề là phải làm sao đảm bảo cho việc chuyển tiếp giữa các thế hệ đảm bảo sự vững chắc trong đội ngũ cán bộ.

Từ xưa các cụ ta đã tổng kết thế rồi chứ không phải đến giờ mới vậy và tôi xin nhắc lại, đánh giá cao nhất đối với cán bộ là năng lực phẩm chất, chứ độ tuổi, dù là yếu tố cần quan tâm, nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Thưa ông, một dấu hiệu khác được dư luận đề cập là việc ở nhiều địa phương, ngay khi cha, chú là những cán bộ lãnh đạo địa phương về nghỉ, rút khỏi cương vị lãnh đạo thì con, cháu cũng đồng thời bước chân vào tỉnh ủy, trở thành những tỉnh ủy, thành ủy viên. Liệu đó có phải là một sự thỏa thuận để “cha lùi thì con tiến”?

Tôi không nắm cụ thể những trường hợp này, nhưng tôi tin rằng cũng có thể có những sự trùng hợp thôi, chứ không cứ là bố rút khỏi tỉnh ủy thì cho con vào, hay như bạn nói là “cha lùi thì con tiến”.

Cùng một lúc có nhiều bí thư tỉnh ủy, tỉnh ủy viên trẻ tuổi như vậy có phải đến khóa này mới có không, thưa ông?

Thực ra không hẳn vậy.

Cũng đã có nhiều giai đoạn mà nhiều địa phương đã có những lãnh đạo rất trẻ, thậm chí còn trẻ hơn những bí thư vừa đắc cử. Ví dụ như thời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An làm bí thư tỉnh ủy thì ông đảm nhận cương vị này khi cũng còn rất trẻ, chưa đến 40 tuổi.

Cũng có những ý kiến đặt vấn đề, cơ hội nào cho những người trẻ tuổi tương tự có thể thành công, khi không có những bệ đỡ, những xuất phát điểm tốt như con em lãnh đạo?

Như tôi đã nói, hoàn cảnh xuất thân, lịch sử, truyền thông gia đình không phải là yếu tố để đánh giá và lựa chọn cán bộ, mà cần dựa chủ yếu trên phẩm chất, năng lực.

Nhưng liệu cử tri có thể tin là quy trình lựa chọn nhân sự đang diễn ra theo đúng hướng như thế?

Tôi tin vào điều đó. Có thể trong một tập thể sẽ có người này người nọ, nhưng đa số cán bộ, đa số đảng viên thì sẽ có lựa chọn đúng, công tâm.