19:31 18/01/2010

Luật Trọng tài thương mại: Chưa thể “mở” hết

Hải Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Trọng tài thương mại

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thẩm quyền của trọng tài được “mở” đến mức nào vẫn là vấn đề gây nhiều băn khoăn khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trọng tài thương mại, sáng 18/1.

Đây cũng là nội dung còn có tới ba loại ý kiến khác nhau khi Quốc hội xem xét dự luật này tại kỳ họp thứ sáu vừa qua. Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ  trì soạn thảo dự án luật đều tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Đó là, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có liên quan đến hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở luật khác.

Để đạt được sự đồng thuận này, theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh thì hai cơ quan, “đã tranh luận rất nhiều”.

Còn theo Ủy ban Tư pháp, quy định như vậy là tương đối rộng, khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

Hơn nữa, ở nước ta, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chưa phổ biến và chưa được nhiều người biết đến. Hơn 6 năm qua mới có 280 vụ việc được giải quyết bằng trọng tài, 3/7 trung tâm trọng tài đã được thành lập chưa giải quyết bất kỳ một vụ việc nào. Khả năng và uy tín chuyên môn của một số trọng tài viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đây cũng là lý do chính khiến nhiều ý kiến đồng tình chỉ “mở” thẩm quyền của trọng tài như đã nói trên và cần phải có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của trọng tài viên.

Đại diện Ban soạn thảo dự luật cũng giãi bày, muốn mở rộng hơn thẩm quyền của trọng tài nhưng uy tín của trọng tài còn hạn chế. “Phạm vi như vậy là đã mở, không thể mở hết cỡ. Nếu mở hơn ra Quốc hội cũng khó mà thông qua được. Vấn đề then chốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng trọng tài viên”. Chủ tịch Hội Luât gia Phạm Quốc Anh phát biểu.

Ngoài nội dung trên, thẩm quyền của hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ và tòa án hỗ trợ hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ cũng là vấn đề được tập trung thảo luận.

Trên thực tế có nhiều vụ tranh chấp hội đồng trọng tài cũng không thể yêu cầu cá nhân, cơ quan tổ chức khác (không phải là các bên đương sự tranh chấp) đang giữ các chứng cứ phải giao nộp, cung cấp cho hội đồng trọng tài. Vì vậy cần quy định tòa án hỗ trợ hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ trong trường hợp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề nghị quy định chặt chẽ điều kiện hủy yêu cầu phán quyết trọng tài, để phương thức giải quyết tranh chấp qua trọng tài có thể phát huy được tác dụng.