21:56 25/05/2015

Lương bộ trưởng hiện chưa đến 15 triệu đồng/tháng

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo việc thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Với mức lương cơ sở hiện hành thì lương bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thông tin tại báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.

Chính sách về tiền lương là một trong các nội dung đáng chú ý tại báo cáo.

Lương tăng nhanh hơn CPI

Phần kết quả, Bộ trưởng nêu rõ, từ 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở).

Tính chung cả ba lần điều chỉnh tăng thêm 57,5%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12/2014 so với tháng 12/2010 do Tổng cục Thống kê công bố là 36,3%.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng vẫn nêu rõ hạn chế là mức lương cơ sở hiện hành 1.150.000 đồng/tháng thực hiện từ ngày 1/7/2013 mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp (2.600.000 đồng/tháng).

Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Theo đó, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
    
Hạn chế tiếp theo được nêu là hệ thống thang, bậc lương còn bình quân. Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, đã làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.

Về nguyên nhân hạn chế, vẫn như nhiều báo cáo khác, Bộ trưởng đề cập kinh tế tăng trưởng chậm, ngân sách cũng tăng chậm trong nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng chi quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, cùng với áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước, nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.

Trong khi đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng (gắn với tiền lương) từ ngân sách nhà nước rất lớn, khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an.

Nhiều giải pháp tạo nguồn tăng lương

Với thời gian tới, Bộ trưởng Bình nêu nhiều giải pháp. Như điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động;

Nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương thấp nhất - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp.

Giải pháp tiếp nữa là rà soát, xác định rõ các ngành, nghề đặc thù, để làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề).

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng khung cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 để trình Chính phủ xem xét tổng hợp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020,  trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.

Và trong đó sẽ tính toán cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, chi trả nợ và khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho cải cách tiền lương giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo các kết luận của Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện thực hiện.

Để tạo nguồn cho thực hiện điều chỉnh tiền lương các năm sau, báo cáo của Bộ trưởng nêu nhiều giải pháp.

Bên cạnh thực hiện tinh giản biên chế, giải pháp được bộ trưởng đề cập là các cơ quan, đơn vị phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện các giải pháp tạo nguồn như cơ cấu lại chi ngân sách cùng với việc điều chỉnh lại các chính sách theo quan điểm ưu tiên chi cải cách tiền lương, chi cho con người là chi đầu tư phát triển cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo.