12:06 15/08/2014

Miền Trung và chuyện hóa giải xung đột lợi ích

Lê Châu

Tỉnh miền Trung nào cũng đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế

Diễn đàn Kinh tế Miền Trung với sự tham gia của các chính khách, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và đông đảo doanh nhân, diễn ra tại Đà Nẵng ngày 15/8.<br>
Diễn đàn Kinh tế Miền Trung với sự tham gia của các chính khách, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và đông đảo doanh nhân, diễn ra tại Đà Nẵng ngày 15/8.<br>
Thi nhân gọi miền Trung là “eo đất thắt đáy lưng ong”, còn chuyên gia nhìn thấy đây là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra biển Đông. Thi nhân mong “tình người đọng mật” ở mảnh đất này, còn chuyên gia kỳ vọng, đầu tư phát triển miền Trung, để hóa giải những xung đột lợi ích cục bộ...

Bởi, như đánh giá của trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, TS. Trần Du Lịch, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương trong vùng thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Tiềm năng, thế mạnh lại khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào...), các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lắp. Phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình.

“Hệ quả của tình trạng này là xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng”, ông Lịch nhận định.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, cũng từng gọi những xung đột mang tính lợi ích cục bộ này bằng một cái tên khác là “những cuộc chạy đua cùng đưa nhau... xuống đáy, khi tỉnh nào cũng đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế”.

Khi những ồn ào đi qua

Rõ ràng, cần có một “nhạc trưởng” để hóa giải những xung đột này, đưa miền Trung thực sự cất cánh.

Vào thời điểm tháng 7/2011, một tổ chức có tên gọi tổ điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung được thành lập, với các thành viên là lãnh đạo các tỉnh miền Trung. Nhiệm vụ của tổ này là tăng cường sự liên kết và hợp tác hiệu quả phát triển trong toàn vùng duyên hải miền Trung, đồng thời tạo cơ sở để các tỉnh, thành phố hoạch định chính sách phát triển của từng địa phương và toàn vùng.

Một năm sau ngày thành lập, tổ này đổi tên thành ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, đổi tên hoạt động liên kết vùng thành hợp tác vùng, kết nạp thêm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận...

Từ khi có tổ chức này, các hoạt động thúc đẩy cho sự phát triển miền Trung ngày càng trở nên sôi nổi. Hàng loạt các cuộc tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức như tọa đàm về phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung (tháng 11/2011); hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung” (tháng 12/2011); hội thảo khoa học “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung” (tháng 4/2012)...

Thông qua các biên bản cam kết, liên kết được ký kết tại mỗi kỳ hội nghị, hội thảo đã khuyến khích chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề trong vùng liên kết với nhau nhằm xây dựng một không gian kinh tế thống nhất, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, nhất là trong liên kết phát triển du lịch và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn vùng.

Dù đã chuyển tên gọi từ “tổ” thành “ban”, thì các hoạt động vẫn chỉ mang tính địa phương, nên khi những giờ phút sôi nổi ồn ào qua đi, thì vẫn còn lại đó một vùng “eo đất thắt đáy lưng ong” trên nắng, dưới cát và “nghèo mồng tơi không kịp rớt” như cảm xúc của thi nhân.

Vào tháng 3 năm ngoái, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Điều phối Vùng thừa nhận rằng, tạo ra sự liên kết đã khó nhưng giữ sự liên kết bền chặt lại càng khó hơn. Đưa duyên hải miền Trung tăng tốc và cất cánh là cả một chặng đường dài, nhiều khó khăn, lắm ghềnh thác, đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Người từng giữ cương vị Bí thư Đà Nẵng còn nói: “Chúng ta có cùng mục tiêu là liên kết để cùng phát triển, cùng có lợi. Mỗi một bước đi lên của địa phương bạn trong vùng chính là niềm vui, hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có sự thống nhất, đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, chân thành thì mới có thể đưa chúng ta đến với những thành công mới trong tương lai”.

Rào cản nghiệt ngã

Trước diễn đàn Quốc hội, “kêu” cho miền Trung, cũng chỉ là những đại biểu Quốc hội của các địa phương miền Trung.

Dường như, nơi nào cũng có những ưu tư riêng của mình nên cũng chỉ có thể chăm lo được cho riêng mình và kết cục là nhiều năm qua, bức tranh kinh tế Việt chỉ là những mảng màu được ghép lại rời rạc khi 63 tỉnh, thành đã trở thành 63 nền kinh tế. Cần phải chấm dứt tình trạng này là kiến nghị không ngừng của giới chuyên gia thời gian qua.

Trong bối cảnh như vậy, nếu sự liên kết hợp tác cùng phát triển của các tỉnh miền Trung được thực hiện thành công, sẽ thực sự là bước chuyển đột phá, chấm dứt thời kỳ tư duy phát triển kinh tế địa phương manh mún đang cản trở sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Câu chuyện hợp tác, liên kết của các tỉnh miền Trung đã không chỉ còn là câu chuyện của miền Trung.

Bởi thế, vào hồi tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên, một hội thảo ở cấp Trung ương có tên là Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã được tổ chức theo gợi ý của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là để đáp ứng bước đầu đòi hỏi từ thực tế phải có một cơ chế chung về liên kết hợp tác phát triển vùng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của Trung ương về nguồn lực và cơ chế ưu đãi đầu tư.

Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề lợi ích cục bộ lại xuất hiện và được đặt lên ở tầm cao hơn bởi lối tư duy đã ăn sâu bén rễ là các lãnh đạo càng lên “to”, càng muốn chăm lo phát triển trước hết cho địa phương mình. Nếu không vượt qua được rào cản nghiệt ngã trong tư duy này, thì mọi nỗ lực tập trung cho miền Trung rốt cuộc sẽ chỉ được coi như một câu chuyện lợi ích cục bộ.

Chuyện của tiền nhân

Hơn 20 năm trước, ý tưởng xây dựng đường dây 500 KV Bắc Nam của người giữ cương vị Thủ tướng thời kỳ đó, là ông Võ Văn Kiệt được mang ra bàn thảo ở Quốc hội, đã vấp phải luồng chỉ trích rằng ông Kiệt là người miền Nam nên muốn đưa điện từ Bắc vào Nam vì tư duy “địa phương cục bộ”...

Tuy nhiên, ông Kiệt đã kiên quyết bảo vệ quan điểm cần thiết phải tiến hành công việc này.

Theo hồi tưởng của những người thân cận với Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ, thì lý do duy nhất đã khiến ông có quyết tâm như vậy vì “chúng ta đã mở cửa kinh tế rồi nhưng đất nước không phát triển được chỉ vì miền Nam thiếu điện, trong khi miền Bắc lại đang thừa điện vì có thủy điện Hòa Bình, Thác Bà”.

Dù hết sức khó khăn, nhưng cuối cùng, đường dây 500KV cũng đã được quyết. Vào thời điểm khi đó, chưa có công trình nào có vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD), công trường thi công trải dài đất nước, vượt qua trùng điệp núi rừng Trường Sơn và bảy con sông lớn, lại được hoàn thành chỉ trong vòng hai năm.

Tháng 1/1992, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch xây dựng đường dây 500 KV. Ngày 5/4/1992 khởi công. 19h ngày 27/5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ lệnh hòa lưới điện quốc gia thành một mạng thống nhất.

Từ một quốc gia chịu tổn thất, nghèo khó nặng nề sau những cuộc chiến tranh khốc liệt, Việt Nam đã làm được một việc phi thường hơn nhiều đất nước phát triển khác, đó là có được một mạng điện thống nhất toàn quốc gia.

Tình trạng thiếu điện ở miền Nam, miền Trung không những được giải quyết mà đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1990-1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%; GDP tăng từ 5,1% vào năm 1990 đến 9,5% vào năm 1995.

Nếu như hai thập kỷ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chút nào phải e ngại trước thành kiến “lãnh đạo miền Nam chỉ lo cho miền Nam” mà chùn quyết tâm cần có một đường dây xuyên Việt như vậy, hẳn rằng nền kinh tế không được như hôm nay.