11:32 10/01/2017

Môi trường kinh doanh Việt Nam, 3 năm tăng 9 bậc

Bạch Dương

Thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam đã vượt Philippines, nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 4

Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2017, nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, xếp hạng tối thiểu thứ 80 trên thế giới theo đánh giá của Liên hiệp quốc về nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. <br>
Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2017, nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, xếp hạng tối thiểu thứ 80 trên thế giới theo đánh giá của Liên hiệp quốc về nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. <br>
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có một bản báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành vào năm 2014, khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng ở mức trung bình thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN.

Sau năm triển khai đầu tiên, chỉ số chung đã tăng 3 bậc, nhưng vẫn chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 6 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines, Brunei). Sau đó, Chính phủ liên tiếp ban hành các nghị quyết 19 trong năm 2015 và 2016.

Cả ba nghị quyết 19 đều yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí, áp dụng công nghệ, chuyển sang hậu kiểm…

3 năm tăng 9 bậc

Sau 3 năm triển khai các nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 9 bậc, với 5 chỉ số tăng hạng. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.

Trong đó, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc, giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc, nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc, tiếp cận điện năng tăng 5 bậc.

Tuy vậy, Bộ cho rằng, dù thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam đã vượt Philippines, nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia), thậm chí một số chỉ tiêu chưa đạt mức trung bình của ASEAN 6.

Bên cạnh 5/10 chỉ số tăng hạng, 5 chỉ số còn lại của Việt Nam lại giảm, như khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc và ở thứ hạng thấp (từ vị trí số 111 xuống 121), là chỉ số có mức giảm bậc lớn nhất. Hay chỉ số cấp phép và đăng ký tài sản giảm 1 bậc…

“Các chỉ số giảm là do Việt Nam không có cải cách nào trong lĩnh vực này, và các nước khác tiến nhanh như Brunei tăng 25 bậc, Indonesia tăng 15 bậc. Vì vậy mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 vẫn trở nên thách thức”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Đáng chú ý, theo chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2015 -2016), thứ hạng của Việt Nam đã giảm 4 bậc, xuống vị trí thứ 60 trong tổng số 138 quốc gia. Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN 6, chỉ đứng cao hơn Lào, Campuchia.

Nhìn chung, các chỉ số của Việt Nam còn ở mức thấp, như chỉ số hạ tầng viễn thông đứng số 90 trong số 193 nước, chỉ số nguồn nhân lực đứng thứ 127/193 nước, chỉ số dịch vụ công trực tuyến là 74/193, báo cáo nêu.

Phác họa 2017

Theo nguồn tin của VnEconomy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị quyết 19 năm 2017. Dự thảo nghị quyết được lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương. Nội dung trọng tâm của Nghị quyết 19 trong năm nay sẽ tập chung vào việc nâng thứ hạng môi trường kinh doanh.

Dự thảo đặt ra chỉ tiêu, đến hết năm 2017, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines).

Cụ thể, khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, tiếp cận tín dụng thuộc 40 nước đứng đầu, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc 60 nước đứng đầu.

Ngoài ra, chỉ tiêu về cấp phép xây dựng thuộc top 90 nước đứng đầu, tiếp cận điện năng xuống thứ hạng 35; đăng ký quyền sở hữu sử dụng tài sản xuống thứ hạng 30; nộp thuế và bảo hiệm xã hội giảm xuống thứ hạng 168; giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống thứ hạng 30…

Dự thảo nhấn mạnh việc cải cách toàn diện để tạo lập hệ thống hỗ trợ kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định cho khởi nghiệp, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó 10% là doanh nghiệp sáng tạo.

Giai đoạn 2017 – 2020, các chỉ số về năng lực cạnh tranh sẽ đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 4. Đồng thời, nghị quyết năm nay sẽ tập trung vào các giải pháp về xây dựng chính quyền liêm chính và phục vụ, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2020, nhóm chỉ tiêu thể chế gồm môi trường chính trị, môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh phải đạt tối thiểu 60 điểm (hiện là 51,7 điểm). Nhóm chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng (công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng chung, ổn định sinh thái) đạt tối thiểu 45 điểm, hiện ở mức 36,7 điểm.

Nhóm chỉ tiêu về sự tinh tế của thị trường như tín dụng, đầu tư, thương mại cạnh tranh đạt tối thiểu 50 điểm (hiện là 43 điểm),

Nhóm chỉ tiêu về sự tinh tế trong kinh doanh tức tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết về đội ngũ lao động, liên kết sáng tạo, sựu hấp thụ kiến thức đạt tối thiểu 35 điểm.

Dự thảo cũng nêu rõ việc quy trách nhiệm cho từng bộ ngành, địa phương với từng chỉ số và thiết lập cơ chế giám sả việc thực hiện. Yêu cầu các đơn vị ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2017, nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, xếp hạng tối thiểu thứ 80 trên thế giới theo đánh giá của Liên hiệp quốc về nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.

Theo dự thảo, Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải lên kế hoạch hành động chi tiết thực hiện Nghị quyết 19 năm 2017. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối cải thiện các chỉ số năng lực sáng tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách về chỉ số chính phủ điện tử.