16:12 02/11/2015

“Một công chức quèn cũng có thể tước cơ hội của doanh nghiệp”

Nguyễn Lê

Đại biểu Trần Khắc Tâm: “Điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập”

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) phát biểu tại nghị trường.<br>
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) phát biểu tại nghị trường.<br>
Gói lại phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 2/10, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét đã có sự đổi mới trong phát biểu.

Đó là, nhiều vị đã chọn một hoặc một vài vấn đề và đi sâu phân tích, không mất nhiều thời gian cho nhận xét chung, tránh được sự trùng lặp như ở nhiều phiên thảo luận tại các kỳ họp trước.

“Con người, con người và con người”

Việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) phát biểu.

Đây là điều được ông Tâm chốt lại sau khi đã dành gần như toàn bộ ý kiến cho cảm xúc và những lo lắng quanh TPP.

“9 năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, tôi là một cử tri theo dõi các hoạt động của Quốc hội thì thấy rằng có nhiều phát biểu rất lạc quan, có người đã nghĩ là sau khi gia nhập WTO thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 8-9% trong nhiều năm liên tiếp, Việt Nam có thể sớm hóa rồng, hóa hổ”.

“Nhưng thực tế lại khác, những tác động bất lợi bên ngoài và yếu kém bên trong đã nhiều phen làm chúng ta lao đao”, ông Tâm nói.

Điều được đại biểu Tâm nhấn mạnh là để hội nhập thành công thì đồng thời phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập.

Về mặt thể chế, theo ông Tâm, là đã đặt một nền tảng quan trọng khi những đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam là tiến bộ, đã tiệm cận được với chuẩn mực chung của thế giới.

“Nhưng, điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập. Quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm”, ông Tâm nhấn mạnh.

“Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự chậm trễ, vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi, cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân”.

Đai biểu Tâm cho rằng: “Chúng ta không thể hội nhập thành công nếu như 63 tỉnh, thành trở thành 63 khu vực cát cứ, không có sự liên kết, phân công. Các đại biểu Quốc hội đã từng đề cập đến tình trạng “chỉ thị mồm” rằng phải sử dụng thép tỉnh nhà, xi măng tỉnh nhà, thì mới đây thậm chí người ta còn ký cả văn bản hành chính yêu cầu phải uống bia tỉnh nhà”.

Vị đại biểu Sóc Trăng cũng bày tỏ quan điểm, để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào “con người, con người và con người”.

“Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này”, ông nói.

Sao các cháu không về?

Cũng đề cập đến nguồn nhân lực, đại biểu - doanh nhân Nguyễn Ngọc Hòa đặt câu hỏi: vì sao có đến 12/13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “đường lên đỉnh Olympia” đi du học nhưng sau đó ở lại nước ngoài làm việc, mà không về Việt Nam?

“Tôi thấy dân tộc ta có truyền thống hiếu học, hiện nay cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước, nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác”, đại biểu Hòa nhận xét.

Và câu hỏi được ông Hòa nêu ra là chúng ta có trăn trở việc này hay không, trong khi nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ?

Kiến nghị từ đại biểu Hòa là thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo.

Ông nói, cần có giải pháp để có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học.
 
Đồng thời, phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giảm bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.

Bên cạnh nguồn nhân lực, phần lớn trong số hơn 20 vị đại biểu đã đăng đàn trong buổi sáng đểu chọn một, hai vấn đề như năng suất lao động, nhà ở cho người có công, các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn… để tập trung phân tích.

Điều này được Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh là sự đổi mới, và bà đề nghị các đại biểu trong các phiên thảo luận tiếp theo sẽ phát huy tinh thần này.