12:11 28/09/2017

Mục tiêu đến 2050 người dân đồng bằng sông Cửu Long thu nhập 10.000 USD/năm

Song Hà

Nội dung chính tại hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham dự của Thủ tướng

Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển phát 
triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.
Phấn đấu đến năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD/năm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 5%...

Đó là những mục tiêu được nêu tại hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra tại Cần Thơ ngày 27/9, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước những thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt, Chính phủ tiếp tục xác định tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của người dân.

Ông nói, để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng; tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, hạn chế tối đa làm nhiệt điện than…

Sau khi phân tích những thách thức đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã nêu 3 quan điểm về phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ nhất, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hoá được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hoá của đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô cạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

“Chúng ta phải xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi”, Thủ tướng nói.

“Phải biến thách thức thành cơ hội. Coi nước lợ và nước mặn là một nguồn lực của tài nguyên bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững nguồn tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng; chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng”, theo Thủ tướng.

Ông nhấn mạnh, cần xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “sống chung với nước mặn và ngập”, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cao nước ngọt, khai thác nước lợ và nước mặn ở vùng biển chiếm ưu thế.

Thủ tướng cho rằng cần chọn cây trồng nào ít sử dụng nước, không tiếp tục gia tăng hoặc giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Cần thiết xen canh mô hình canh tác lúa - cá, lúa - tôm để giảm bớt sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.