10:02 03/06/2016

“Nếu tăng lương tối thiểu không hợp lý, doanh nghiệp sẽ phá sản”

Kim Xuân

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi Bộ luật Lao động 2012

Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013,
 bao gồm 17 Chương và 242 Điều liên quan đến các quy định về việc làm, 
lương, tiền giờ làm việc, hợp đồng lao động, học nghề, đối thoại lao 
động, thỏa ước tập thể, công đoàn, tranh chấp lao động… Tuy nhiên, qua 
triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vất đề gây bức xúc cho doanh 
nghiệp.
Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013, bao gồm 17 Chương và 242 Điều liên quan đến các quy định về việc làm, lương, tiền giờ làm việc, hợp đồng lao động, học nghề, đối thoại lao động, thỏa ước tập thể, công đoàn, tranh chấp lao động… Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vất đề gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Ngày 2/6/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi Bộ luật Lao động 2012, các vấn đề văn bản quy định chi tiết và những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng pháp luật lao động.

Nội dung thảo luận là những vấn đề “sát sườn” của doanh nghiệp, đó là chồng chéo văn bản hướng dẫn trong Luật Lao động năm 2012, hay hiểu thế nào cho đầy đủ về mức sống tối thiểu, nới rộng giờ làm thêm cũng như kiến nghị về tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm hiện đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện cho ngành thâm dụng lao động, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bức xúc nói, sau 3 năm thực hiện Luật Lao động 2012 có đến vài chục nghị định và rất nhiều thông tư hướng dẫn. Đến nay, các văn bản phủ gần kín hết các lĩnh vực nhưng chất lượng của các nghị định cầm phải xem xét lại, bởi  rất chồng chéo.
 
“Tại sao có Nghị định 44 về hợp đồng lao động rồi lại có thêm Nghị định 05 để dùng bao quát lại những nghị định chưa làm được. Hay như Thông tư 23 hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ra ngày 23/6/2015 thì ngày 16/11/2016 lại tiếp Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ. Nếu ngay từ đầu ban hành bao quát đầy đủ  và thận trọng hơn thì doanh nghiệp đỡ khổ”, ông Cẩm nói.

Một vấn đề nữa được ông Cẩm đưa ra đó là lương tối thiểu vùng. Cơ sở nào để cho rằng lương tối thiểu đủ sống. Chưa kể tỷ lệ đóng bảo hiểm hiện nay của Việt Nam cao hơn các nước khác, trong khi đó việc tính bảo hiểm sắp tới đóng nâng lên thì lại càng khó khăn cho doanh nghiệp.

Điều gây khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là việc tăng lương tối thiểu gắn với việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do đó, nếu người lao động nhận được một đồng do việc tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp phải trả hai đồng.
 
Lương tối thiểu là công cụ cơ bản để điều tiết thị trường lao động. Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi đó, sẽ phải chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực phi chính thức, khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Nếu tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp phá sản, khi đó, không những lao động khu vực phi chính thức không chuyển được sang khu vực chính thức mà còn xảy ra tình trạng ngược lại, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho hay, năm 2016 việc tăng lương tối thiểu cùng với việc nâng nền đóng bảo hiểm xã hội bao gồm lương và phụ cấp có tính chất lương đã khiến tình hình kinh doanh của công ty ông cũng như nhiều công ty trong hiệp hội gặp nhiều khó khăn.

Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Và việc xây dựng chính sách tiền lương chung cần trên mục tiêu nuôi dưỡng để các doanh nghiệp khỏe mạnh, khi đó họ mới có thể tăng lương bền vững cho người lao động.

Hơn nữa, theo lộ trình, Việt Nam sẽ được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Khi đó, thu nhập của người lao động hãy để thị trường điều tiết dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước chỉ quy định sao cho mức lương đó không ảnh hưởng tới điều kiện sống tối thiểu của người lao động.

Một vấn đề nữa được các doanh ngghiệp đề nghị đó là nới thời gian làm thêm giờ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quy định làm thêm giờ của Việt Nam khắt khe hơn rất nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản 360 giờ/năm, Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng…

Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh, khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo…

“Ở doanh nghiệp của tôi, nếu không làm thêm thì người lao động chỉ 4 triệu đồng/tháng, nhưng nếu làm thêm thì lương bình quân 7 triệu đồng/tháng. Thực tế, làm thêm là nguyện vọng của người lao động, vì nếu họ không làm thêm thì thời gian buổi tối họ cũng tìm công việc bưng bê nào đó để có thêm thu nhập”, ông Dương nói.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về Bộ luật Lao động 2012 nhằm lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Lao động 2012.

“Việc sửa đổi Luật Lao động nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua, đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Lao động và các luật khác mới được ban hành và phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP”, ông Huân nói.