07:52 14/09/2016

Ngân sách khó khăn, bộ ngành vẫn không giảm chi tiêu

Nguyễn Lê

2017 chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương bình quân tăng khoảng 4 - 5% so với chi thường xuyên theo định mức thực tế năm 2016

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần xem lại định mức chi thường xuyên theo biên chế vì chính nó đã cản trở việc tinh giản biên chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần xem lại định mức chi thường xuyên theo biên chế vì chính nó đã cản trở việc tinh giản biên chế.
Trong một gia đình, nếu thu nhập giảm thì chi tiêu cũng phải bớt đi, nhưng thời gian qua ngân sách rất khó khăn mà các bộ, ngành địa phương vẫn không hề giảm chi thường xuyên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét.

Chiều 13/9, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017.

Một trong những nguyên tắc được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo là định mức chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan trung ương thực hiện nguyên tắc đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức trên tinh thần triệt để tiết kiệm, giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài. 

Ưu tiên mức phân bổ cao hơn đối với khối các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để đảm bảo chức năng hoạt động đặc thù của khối các cơ quan này.

Về tiêu chí xác định mức phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan Trung ương, Chính phủ nêu rõ, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên được xây dựng trên cơ sở biến chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách tính toán, theo cách tính này thì chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương bình quân tăng khoảng 4 - 5% so với chi thường xuyên theo định mức thực tế năm 2016.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần xem lại cách tính theo biên chế vì chính nó đã cản trở việc tinh giản biên chế, bởi không giảm biên chế thì càng xin được nhiều kinh phí.

Nhấn mạnh giảm chi thường xuyên là mục đích rất quan trọng của nghị quyết này, ông Thanh nói nếu chi thường xuyên tăng mà chi đầu tư phát triển giảm thì đất nước sẽ càng khó khăn hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng tỏ ra ngạc nhiên khi mà trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, các bộ ngành địa phương không hề giảm chi thường xuyên.

Thừa nhận là có chiều suy nghĩ không giảm biên chế thì càng được cấp nhiều kinh phí như ông Thanh phân tích, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng "trấn an" là đã có nghị quyết của Bộ Chính trị khống chế, không cho tăng biên chế.

Tôi có suy nghĩ ngược lại, nếu khoán chi hành chính thì còn khuyến khích người ta giảm biên chế để tăng thu nhập chứ không phải chạy theo biên chế để tăng ngân sách, Bộ trưởng Dũng nói.

Bên cạnh tiêu chí cụ thể, câu hỏi lớn hơn được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc đi nhắc lại là chi thường xuyên đang "trèo" rất nhanh, nếu vẫn phân bổ như Chính phủ trình thì sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách?

Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 2016 cơ cấu ngân sách chi đầu tư phát triển 20%, chi thường xuyên trên 64%. Năm 2017 chi thường xuyên chiếm khoảng 63,9% (chưa bao gồm chi cải cách tiền lương).

Với định mức và tiêu chí phân bổ như Chính phủ trình thì năm 2020 chi thường xuyên sẽ giảm xuống khoảng 58 - 60%, 60 - 62% cơ bản đáp ứng yêu cầu chung là giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng nhìn nhận.