09:19 26/05/2011

“Nghịch lý của sự trù phú”

Công Lý

Những quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản không hẳn đã là quốc gia thịnh vượng

Cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản thu hút nhiều đại biểu trong và ngoài nước - Ảnh: Thế Dũng
Cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản thu hút nhiều đại biểu trong và ngoài nước - Ảnh: Thế Dũng
Trong buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 9, tổ chức sáng ngày 25/5 với chủ đề “Phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản”, các nhà tài trợ, đại diện các cơ quan liên quan đã tập trung phân tích về những bất cập của chính sách quản lý trong lĩnh vực này.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đình Phách, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thẳng thắn nhìn nhận, các chính sách quản lý nhà nước đối với tài nguyên và hoạt động khai khoáng đang bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu về hiệu quả và tính bền vững, ẩn chứa nguy cơ cao làm phát sinh tham nhũng, lãng phí tài nguyên quốc gia...

Ông Staffan Herrstrom, Đại sứ Thụy Điển đưa ra một thống kê đáng chú ý, là trong danh mục nước nghèo nợ cao của Ngân hàng Thế giới có 12 nước phụ thuộc hầu hết vào khoáng sản, 6 nước phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ. Đồng thời, 1,5 tỷ người đang sống ở những nước giàu tài nguyên chỉ kiếm được dưới 2 USD mỗi ngày.

Như vậy những quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản không hẳn đã là một quốc gia thịnh vượng, và đó là “nghịch lý của sự trù phú”. Ông Staffan Herrstrom cho rằng tham nhũng là yếu tố cơ bản lí giải cho nghịch lý này.

Đại diện Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hơn về nguồn cơn của tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là do chính sách quản lý còn nhiều bất cập.

Đi sâu phân tích các bất cập này, theo đại diện Thanh tra Chính phủ, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, tuy nhiên hiện nay lại chưa có chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản Việt Nam để làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn.

Trong chính sách quản lý khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, các địa phương khó quản lý vì pháp luật còn khiếm khuyết trong quản lý. Bộ Công Thương quá sơ hở khi đưa mặt hàng khoáng sản là than đá ra ngoài danh mục mặt hàng cấm mà chỉ xem là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tuy là có điều kiện nhưng lại không cần phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (Thông tư số 04/2007 và Thông tư số 05/2007 của Bộ Công Thương).

Chính bất cập này đã “giúp” cho các đối tượng lợi dụng mua bán hóa đơn VAT hợp pháp hóa nguồn than trái phép, xuất khẩu than tiểu ngạch gây thiệt hại cho đất nước.

Trong công tác lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch khoáng sản, quy định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cũng bộc lộ hạn chế khi hầu hết các quy hoạch khoáng sản hiện nay mới chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ. Cái thiếu ở đây là quy hoạch theo tọa độ, diện tích cụ thể và điều này gây khó khăn khi xác định thẩm quyền cấp phép khai thác cho một khu vực cụ thể.

Bên cạnh đó việc công khai quy hoạch cấp trung ương chưa được thực hiện dẫn đến tình trạng mỗi địa phương làm theo những cách khác nhau... Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng của các địa phương chưa thường xuyên, thực hiện mang tính đối phó nên các đối tượng lợi dụng để thực hiện không đúng giấy phép.

Từ những bất cập chính sách trong quản lý khai khoáng, đại diện Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng.

Tuy nhiên, bên lề buổi đối thoại nhiều ý kiến cho rằng những giải pháp của Bộ Công Thương còn chung chung, mang tính “báo cáo” mà chưa đi vào cụ thể. Việc đưa ra giải pháp chung chung để phòng chống tham nhũng trong một lĩnh vực nào đó cũng là một bất cập của công tác chính sách, thể hiện sự quyết tâm chưa cao của công tác quản lý nhà nước trong phòng chống tham nhũng.

Đại sứ Thụy Điển, ông Staffan Herrstrom cho rằng Việt Nam khá giàu trữ lượng và tiềm năng khoáng sản chưa được khai thác. Kinh nghiệm từ các nước đang chịu “nghịch lý của sự trù phú” cho thấy đấu tranh phòng chống tham nhũng là nguồn gốc của việc chuyển từ giàu có về tài nguyên thành tăng trưởng cao và đói nghèo thấp.

Kết luận buổi đối thoại, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ghi nhận, qua 8 cuộc đối thoại lần trước và kết thúc cuộc đối thoại lần thứ 9 này các nhà tài trợ luôn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến mới trong việc công khai minh bạch hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính cũng như công tác thực thi pháp luật để hạn chế tham nhũng phát sinh.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam vẫn coi phòng chống tham nhũng là chương trình hành động trọng tâm, mang tính sống còn của chế độ chính trị, của đất nước. Từ nay đến buổi đối thoại cuối năm 2011 Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung rà soát, đánh giá công tác thi hành pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như lấp đầy các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật để tạo sức mạnh phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.