07:10 10/11/2016

“Nhiều xung đột lợi ích khu vực công đã thành luật chơi”

Song Hà

Việt Nam có thể nâng cao liêm chính và hiệu quả của khu vực công bằng cách kiểm soát chặt hơn các hình thức nhận quà biếu, ưu ái người thân

Báo cáo của WB đã đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của 
xung đột lợi ích trong sáu lĩnh vực hoạt động của khu vực công: cung cấp
 dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt 
dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm.
Báo cáo của WB đã đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của xung đột lợi ích trong sáu lĩnh vực hoạt động của khu vực công: cung cấp dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm.
“Hiểu biết về xung đột lợi ích trong xã hội và trong bản thân cán bộ, công viên chức còn hạn chế, nhiều hình thức xung đột lợi ích khác nhau ở khu vực công đã trở thành luật chơi, gây suy giảm hiệu quả và liêm chính trong các thiết chế công”.

Kết luận trên được đưa ra trong báo cáo “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”, do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ công bố ngày 9/11.

Theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế trong ba thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường đã thúc đẩy tương tác ngày càng tăng giữa khu vực công và tư, và do đó cần phải giải quyết những xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình tương tác này thông qua luật pháp và thực thi chính sách tốt hơn.

Việt Nam cũng có thể nâng cao liêm chính và hiệu quả của khu vực công bằng cách bổ sung quy định và pháp luật kiểm soát các hình thức xung đột lợi ích phổ biến như nhận quà biếu, ưu ái người thân, hoặc sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi cá nhân.

Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, mục tiêu của nghiên cứu này là khuyến nghị các biện pháp cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt trong công việc của mình, cải thiện chất lượng thể chế của khu vực công và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

Trong khi đó, theo Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Việt Nam khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035, do đó kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu để đạt được khát vọng đó, vì nó giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của nhà nước và thị trường cho thế hệ tiếp theo.

Báo cáo của WB đã đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của xung đột lợi ích trong sáu lĩnh vực hoạt động của khu vực công: cung cấp dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm.

Kết quả khảo sát người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và viên chức cho thấy đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội về sự minh bạch, hiệu quả và liêm chính trong các quyết định phân bổ nguồn lực công.

Báo cáo cũng cho thấy quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng là ba lĩnh vực với các tình huống xung đột lợi ích phổ biến nhất.

Để kiểm soát xung đột lợi ích hiệu quả, báo cáo đưa ra ba nhóm khuyến nghị, trong đó có việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về xung đột lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó là cải thiện chính sách và pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích. Báo cáo cũng khuyến nghị Chính phủ thông qua một định nghĩa thống nhất về xung đột lợi ích cũng như cơ chế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về xung đột lợi ích trong khuôn khổ pháp lý về quản trị công ở Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ cần mở rộng phạm vi áp dụng của các quy định về xung đột lợi ích, như nhận quà biếu, việc làm ngoài công vụ, kê khai thu nhập - tài sản cho các chủ thể có quan hệ mật thiết với công chức.