20:18 13/04/2010

Phát triển thị trường lao động đến 2020: Xuất hay nhập?

Vũ Quỳnh

Có quá nhiều vấn đề chưa được tính đến khi xây dựng đề án "Phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020"

Yếu tố chuyển dịch lao động rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thị trường lao động.
Yếu tố chuyển dịch lao động rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thị trường lao động.
Có quá nhiều vấn đề chưa được tính đến khi xây dựng đề án "Phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020".

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo về đề án nói trên, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tổ chức ngày 12/4.

Con số thực về doanh nghiệp: 500, 300 hay 200?

Nhóm soạn thảo đề án cho rằng, từ 2011 đến 2020 là giai đoạn mà thị trường lao động có điều kiện để phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Bản dự thảo đề án nêu, đây là giai đoạn các nước ASEAN bước vào một thời kỳ hợp tác và hội nhập sâu rộng hơn. ASEAN cũng đã ký kết Hiến chương ASEAN để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Theo khuôn khổ hiến chương này, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư vốn và lao động có kỹ năng sẽ được dịch chuyển tự do trong khuôn khổ khu vực ASEAN.

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo ra một làn sóng suy thoái toàn cầu, tuy nhiên, đây chính là cơ hội cho nền kinh tế thế giới bắt đầu một tái cấu trúc mới, các sản phẩm và công nghệ sử dụng nhiều lao động sẽ được dịch chuyển nhiều hơn sang các nước đang phát triển.

Trong nước, điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng có nhiều thuận lợi cho việc phát triển thị trường lao động theo hướng công nghiệp hóa. Vì thế, mục tiêu mà đề án đặt ra là cải thiện kết nối cung cầu, nhằm tăng khả năng có việc làm bền vững và giảm thất nghiệp, thiếu việc làm.

Cụ thể, đề án chia mục tiêu thành 2 giai đoạn: từ 2011 - 2015, quá trình tăng trưởng tập trung vào chuyển dịch cơ cấu lao động và mở rộng việc làm. Việc làm trong nông nghiệp giảm xuống còn 40% vào năm 2015; đạt cơ cấu kỹ năng của lực lượng lao động ở mức 60% lao động qua đào tạo và 40% lao động qua đào tạo nghề vào năm; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 5%.

Thời kỳ 2015 -2020 được xác định sẽ có những quá trình thay đổi về chất trong chuyển đổi việc làm, hướng tới việc làm có năng suất và hiệu quả cao hơn trong các ngành sản xuất, chế tạo, dịch vụ. Năm 2020, mục tiêu sẽ giảm việc làm trong nông nghiệp xuống còn 30%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.

Tuy nhiên, theo ông Chu Quang Cường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vấn đề ở đây là không chỉ đưa ra những mục tiêu mang tính dự báo mà phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.

Hiện có hơn 70% lao động ở khu vực phi chính thức, vậy phải đào tạo như thế nào để đạt được mục tiêu 2020 số lao động khu vực này chỉ còn 40%.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, điều quan trọng nhất phải hoàn thiện thể chế thị trường lao động, những thể chế này phải được quốc tế thừa nhận có tính thị trường, có những yếu tố cơ bản không đúng thị trường, không do thị trường điều tiết thì không thể được công nhận là một thị trường lao động thật sự.

Bên cạnh đó, tiền lương như thế nào, can thiệp của nhà nước vào thị trường lao động, quy định về những tiêu chuẩn lao động ra sao... là những vấn đề cần bàn tới.

Đặc biêt, ông Dũng nhấn mạnh đến tính chính xác và nhất quán trong những phân tích, dự báo của thị trường lao động.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng hiện có nhiều con số khác nhau về lượng doanh nghiệp ở nước ta. "Có nơi đưa ra con số 500 nghìn doanh nghiệp, Tổng cục Thuế thì cho rằng có hơn 300 nghìn, trong khi đó con số của chúng tôi thì hiện chỉ có hơn 200 nghìn doanh nghiệp thôi".

Với con số dự báo số doanh nghiệp đã không chuẩn thì số người lao động có việc làm hiện là bao nhiêu là một dấu hỏi. Nếu nhân quy mô một doanh nghiệp trung bình có 10 lao động thì con số đã rất khác nhau.

“Ở nước ta hiện nay có một tình trạng cung cũng thiếu mà cầu cũng thiếu. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn cao thì doanh nghiệp lại kêu không tuyển được lao động, vậy, nguyên nhân nằm ở đâu, hay do chính tính điều tra, dự báo của chúng ta không chuẩn?”, ông Đồng nói.

Xuất hay nhập lao động?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, yếu tố chuyển dịch lao động rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển thị trường lao động. Cùng với quy định về cung cầu, tiền lương, quan hệ lao động, thì chuyển dịch lao động được coi là vấn đề mấu chốt.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Võ Trí Thành cho rằng, hội nhập quốc tế, dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN sẽ phát triển, lao động ở các nước ASEAN khác có quyền vào Việt Nam làm việc và ngược lại.

Vì vậy, đề án phát triển thị trường lao động cần phải tính đến chuyện này một cách cụ thể. Nếu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động thì chú trọng vào đẳng cấp lao động để được quốc tế thừa nhận. Ngược lại, xác định là nước nhập khẩu lao động thì phải có những quy định, mục đích tiếp nhận rõ ràng, cụ thể: tiếp nhận những đối tượng lao động nào, những lao động mình cần chứ không phải lao động mà các nước thừa.

Ông Thành cũng lưu ý về vấn đề tiền lương, nếu nước ta xác định chỉ là một nước có mức lương trung bình và thu nhập trung bình so với các nước khác thì cũng không thể thu hút được lao động có trình độ cao. Như vậy, lao động nhập khẩu vào sẽ kém dần, thị trường lao động không phát triển được.

Về vấn đề này, ông Chu Quang Cường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng,  thị trường lao động cần quan tâm đến ba vấn đề chính, quan hệ lao động, đặc biệt là vấn đề tiền lương; thứ hai là cung cầu lao động, và hội nhập quốc tế, dịch chuyển lao động giữa các quốc gia.

"Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ phát triển thị trường lao động theo hướng xuất khẩu hay nhập khẩu lao động. Không thể để tình trạng khi đưa một lao động của chúng ta ra nước ngoài làm việc thì khó khăn, trong khi lấy lý do hội nhập để lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam một cách quá dễ dàng", ông Cường nói.