19:50 16/10/2009

Quản lý thực phẩm: Giảm bộ, phân cấp mạnh cho địa phương

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án luật an toàn thực phẩm tại phiên họp thứ 25

An toàn thực phẩm tại Việt Nam chưa được kiểm soát chặt chẽ.
An toàn thực phẩm tại Việt Nam chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Dự án luật an toàn thực phẩm.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, khi thảo luận về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có vị đại biểu Quốc hội đã ví việc có tới 5 bộ chịu trách nhiệm chính giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.

Do vậy, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là một yêu cầu được đưa ra với dự luật này. Đây cũng là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong số 11 chương 62 điều của dự luật, quản lý Nhà nước được quy định tại 1 chương, gồm hai điều.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Chính phủ đã thống nhất chỉ quy định nguyên tắc phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Với vai trò giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ ban hành quy chuẩn, còn tiêu chuẩn thì do các ngành ban hành.

Bộ trưởng Triệu cũng đề nghị “nếu Quốc hội thấy đây là vấn đề đặc biệt thì cho phép thành lập thanh tra liên ngành”.

Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội – cho rằng cần phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ có liên quan và ủy ban nhân dân các cấp trong luật để khi luật có hiệu lực thì thực thi được ngay. Tránh tình trạng phải đợi nghị định hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, Ủy ban này tán thành với loại ý kiến khác, tức là  để Chính phủ phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, theo hướng đảm bảo việc quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Đồng thời, giảm bớt đầu mối các bộ tham gia vào công tác quản lý thực phẩm và phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Các ý kiến thảo luận đều khẳng định việc xây dựng luật an toàn thực phẩm là "quá cần thiết". Song, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của các ngành liên quan đến an toàn thực phẩm, đặc biệt là Bộ Y tế.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị cần ghi rõ những công việc của bộ nào chịu trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước. "Bấy lâu nay cứ  nêu chung chung, như khẩu hiệu nên Quốc hội chưa yên tâm lắm, khi có vi phạm cũng không  xử lý được:,  Phó chủ tịch nhấn mạnh.

Theo đánh giá của tổ chức y tế thế giới, số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam mỗi năm khoảng 8.200.000 người. Vấn đề ngộ độc thực phẩm mạn tính và mối liên quan giữa thực phẩm và các vấn đề sức khỏe và phát triển giống nòi đến nay Việt Nam vẫn chưa có đủ khả năng để đánh giá.

Một trong những quan điểm chỉ đạo việc xây dựng dự án luật là đổi mới phương thức quản lý đối với sản phẩm thực phẩm, chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm phù hợp với luật pháp quốc tế về an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Dự luật an toàn thực phẩm sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, dự kiến có hiệu lực trong năm 2011.