Quốc hội sẽ “quản” tiền chặt hơn?
Nếu nghị quyết được thực hiện nghiêm túc thì cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ bớt cảnh "bắc nước chờ gạo" khi thẩm tra các vấn đề liên quan đến túi tiền quốc gia
Lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của Quốc hội trong năm 2016, được Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thông tin tới báo chí trước thềm Tết Nguyên đán vừa qua.
Ngay sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm.
Dự thảo nghị quyết này từng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến từ phiên họp tháng 9/2016.
Nhưng khi đó, dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình chưa có quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch đầu tư 5 năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích: kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là định hướng và xem xét việc này phải vô cùng thận trọng. Bởi nếu thông qua khung và định hướng trên cơ sở dự toán không đúng thì vô cùng nguy hiểm, có thể 5 năm sau sẽ có cả đống dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát.
Điều hành phiên thảo luận đó, với quan điểm cần có quy chế chặt chẽ mới tránh được lãng phí, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, càng như vậy thì càng phải kiểm soát, nên nghị quyết này vẫn cần phải quy định về căn cứ, thẩm quyền, nội dung báo cáo... liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm.
Và nghị quyết mới được ban hành đã quy định về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia tại điều 5.
Nghị quyết cũng chỉ rõ rất nhiều nội dung cần thẩm tra đối với kế hoạch này. Như, tình hình triển khai và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch 5 năm giai đoạn trước. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội (nếu có).
Cơ quan chức năng của Quốc hội cũng sẽ phải thẩm tra về mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước của cả nước, khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn.
Nguyên tắc, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia vốn ngân sách, tỷ lệ và nguyên tắc sử dụng khoản dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, rồi danh mục chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia... cũng đều nằm trong nội dung được yêu cầu thẩm tra.
Nghị quyết nêu rõ, thời hạn Chính phủ trình kế hoạch đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là trước ngày 20/9, cùng với thời điểm trình dự toán ngân sách Nhà nước năm đầu kỳ kế hoạch.
20/9 cũng là thời hạn mà Chính phủ trình báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm sau đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội gửi đến các đại biểu Quốc hội chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, theo nghị quyết.
Ngoài "chốt" thời hạn, khá nhiều yêu cầu cụ thể khác cũng được nêu tại nghị quyết.
Hệ thống bảng biểu phải phản ánh được tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước từng là yêu cầu được Uỷ ban Tài chính - ngân sách nêu khi thẩm tra dự thảo nghị quyết Chính phủ trình.
Nghị quyết chính thức có danh mục 76 mẫu biểu đi kèm, trong đó có khá nhiều mục liên quan đến nợ công.
Chẳng hạn, ngay mẫu biểu số 1 đánh giá tình hình thực hiện một số chỉ tiêu ngân sách chủ yếu của một giai đoạn thì có rất nhiều các con số được yêu cầu báo cáo về nợ công. Như, dư nợ, tỷ lệ so với GDP, nợ Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, nợ nước ngoài, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách. Số tiền trả nợ gốc cũng được yêu cầu phân tích rõ từ nguồn vốn vay, từ nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư. Biểu mẫu này cũng sẽ thể hiện số tiền trả nợ lãi từ ngân sách nhà nước.
Tất cả những thông tin nói trên cũng được yêu câu thể hiện tạu mẫu biểu số 4 về dự kiến tổng mức dư nợ và nghĩa vụ trả nợ trong một giai đoạn cụ thể.
Như vậy, nếu nghị quyết này được thực hiện nghiêm túc thì cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ bớt cảnh "bắc nước chờ gạo" khi thẩm tra các vấn đề liên quan đến túi tiền quốc gia.
Các vị đại diện cho nhân dân quyết định việc thu tiền và chi tiền tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng có nhiều thời gian hơn với những con số rất quan trọng nhưng luôn xuất hiện rất muộn - thực tế đã được nêu qua nhiều khoá Quốc hội.
Các vị đại diện cho nhân dân quyết định việc thu tiền và chi tiền tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng có nhiều thời gian hơn với những con số rất quan trọng nhưng luôn xuất hiện rất muộn - thực tế đã được nêu qua nhiều khoá Quốc hội.