14:17 24/03/2011

Quốc hội “tự kiểm điểm” nhiệm kỳ

Hòa - Minh

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 12

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 chỉ kéo dài 4 năm.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 chỉ kéo dài 4 năm.
Đánh giá lại nhiệm kỳ 4 năm qua của Quốc hội, thì tích cực nhiều hơn hạn chế. Quốc hội đã thể hiện vai trò của mình tốt hơn, như một chuyên gia nước ngoài từng trao đổi với tôi: “Quốc hội đã đỡ gật hơn”. Tôi coi, đấy là một lời khen.

Đây là phát biểu của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, tại cuộc thảo luận tổ về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội sáng 24/4.

Tại một tổ thảo luận khác, đại biểu Dương Kim Anh kể, cùng sinh hoạt trong một ủy ban của Quốc hội, nhưng có thành viên suốt 4 năm chỉ nghe tên, tận khi tổng kết nhiệm kỳ, đến nhận quà lưu niệm thì mới biết mặt.

Theo nghị trình, trọn thời gian làm việc của buổi sáng (từ 8h - 11h30) được dành cho các đại biểu “cân đong” những ưu và khuyết của chính Quốc hội suốt 4 năm qua. Tuy nhiên, không có mấy tổ thảo luận tận dụng hết khoảng thời gian này. Chưa kể, một số tổ có “sáng kiến” ghép luôn nội dung sáng nay vào chiều qua, khi thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ.

Phàn nàn lập pháp

Mở đầu phiên thảo luận tại tổ 4, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải phát biểu, thời gian của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 chỉ có 4 năm (rút ngắn một năm so với các khóa trước). Nhưng quyết định rút ngắn này là “rất đáng tự hào”, được nhân dân và cán bộ đảng viên đồng tình cao.

Lập pháp là hoạt động đầu tiên được vị đại biểu này “mổ xẻ”. Theo đó, trong 64 luật đã được Quốc hội thông qua có nhiều dự án có chất lượng, hiệu quả cao.

Tuy nhiên, vì không có quy hoạch nên tình trạng cố gắng đưa vào rồi lại rút ra một dự án luật nào đó khỏi chương trình vẫn diễn ra. Hàng năm và cả nhiệm kỳ Quốc hội đều không chủ động được việc làm luật mà tùy thuộc vào sự chuẩn bị của Chính phủ, ông Hải phàn nàn.

Một ví dụ được ông Hải đưa ra là dự án sửa Luật Đất đai, ngay từ đầu khóa đã được nhiều đại biểu đề nghị đưa vào chương trình nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Trong khi kẽ hở của luật này làm cho một số nhóm lợi ích nhỏ giàu lên rất nhanh nhưng người dân thì bức xúc.

Còn một số luật khác thì sau khi Quốc hội thảo luận, dù có “xin tiếp thu”, nhưng lại “xin giữ nguyên như dự thảo”, ông Hải nói.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều dành thời gian để “than thở” về hạn chế trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Đó là tài liệu gửi cho đại biểu quá chậm, đó là chuẩn bị quá sơ sài. Và dự án Luật Thủ đô là một ví dụ điển hình.

Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng Quốc hội chưa thật sự nghiêm túc trong vấn đề làm luật, đặc biệt trong việc xem xét các dự án luật do Chính phủ trình. “Lẽ ra nếu dự thảo chuẩn bị kém thì nên dừng lại, chưa thảo luận và thông qua, nhưng trong nhiều trường hợp Quốc hội vẫn làm, nhiều khi vẫn còn nể nang nhau”, ông Hà nói.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh cũng chia sẻ ý kiến này. Theo bà Thanh, thay vì làm các luật theo yêu cầu của đời sống thì chúng ta lại làm các luật theo sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng. “Nhiều luật đã treo lại một cách đáng tiếc như Luật Đất đai, Luật Bầu cử hội đồng nhân dân... trong khi các luật này đều đang được thực tế đời sống chờ đợi”, bà Thanh nói.

Nhận xét không có nước nào sửa luật nhanh như nước mình, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đề nghị phải học tập kinh nghiệm nước ngoài, Quốc hội cần có bộ phận chuyên trách (không phải đại biểu Quốc hội) về làm luật và phải được trả lương thật cao.

“Tôi không phủ định thành tích lập pháp của Quốc hội ta, nhưng để tốt lên thì Quốc hội khóa 13 cần phải làm như vậy”, vị đại biểu 73 tuổi này tha thiết đề nghị.

Băn khoăn thực quyền

Khi chưa bắt đầu giờ thảo luận chính thức, một vị đại biểu tâm sự ngoài lề rằng, ông rất xót xa và ái ngại khi một cử tri đáng tuổi mẹ mình đến đưa đơn. Nhưng ông chỉ biết giúp cụ “chuyển đơn”, chứ không thể chắc chắn về chuyện giải quyết.

Trong phát biểu chính thức, đại biểu Nguyễn Lân Dũng giải thích lý do ông và một số vị đại biểu khác nhận được nhiều đơn thư, là vì nhiều cử tri nói là họ không tin đại biểu ở địa phương.

“Mà thực tế khi nhận thư tôi đã đấu tranh rất quyết liệt cho cử tri của một tỉnh, nhưng đoàn đại biểu tỉnh đó không nhiệt tình tham gia khi nhận được đề nghị của tôi”, ông Dũng cho biết.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào thì hạn chế lớn nhất của Quốc hội khóa 12 là khả năng giám sát chưa cao.

Ông Đào đề nghị thay đổi cơ chế để các ủy ban đều có quyền giám sát các bộ trưởng. Phải xây dựng đây thành một thông lệ của hoạt động Quốc hội để có thể tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội với cơ quan hành pháp, đại biểu Đào đề nghị.

Và ông lấy ngay ví dụ một đại biểu cùng đoàn là đại biểu Phạm Thị Loan về địa phương, đến ông chủ tịch xã còn khóa cửa không cho ôtô ra, để thấy thực tế là nhiều khi địa phương không cả muốn ngồi với đại biểu Quốc hội để bàn việc mà chỉ mang tính đối phó.

“Vị thế của Quốc hội với cơ quan hành pháp thế là còn thấp”, ông Đào nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vai trò giám sát của cá nhân đại biểu chưa có. “Ở nước ngoài, một đại biểu có thể hẹn lịch làm việc riêng với bộ trưởng, và nội dung cuộc làm việc sẽ được công bố với báo giới. Ở ta thì chưa làm được vì thiếu thông tin, thiếu bộ máy hỗ trợ. Quốc hội chưa bao giờ làm hết chức năng nhiệm vụ theo hiến pháp”, ông Quyền phân tích.

Thiếu thốn về nhân sự cũng là một rào cản khiến cho hoạt động của Quốc hội không được hiệu quả như kỳ vọng. Mỗi năm, có ủy ban của Quốc hội nhận khoảng 10 nghìn đơn thư. Nhưng số cán bộ của ủy ban này không bằng một vụ của Bộ Tư pháp.

“Nhân sự thiếu thì làm sao làm hết việc? Hơn nữa, ngày càng ít các chuyên gia “về” với Quốc hội vì đời sống thấp, anh em làm tiến sỹ xong về đây nhận lương vài ba triệu thì sao làm được?”, ông Quyền nói tiếp.