09:30 29/11/2011

Sốt ruột chờ luật quản “nhà đầu tư” nhà nước

Nguyên Hà

Hành trình nhọc nhằn của một dự án luật góp phần phục vụ cho một công việc hết sức cấp bách là tái cơ cấu nền kinh tế

Ở kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa diễn ra, quyết tâm về tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định với một trong ba lĩnh vực trọng tâm là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Ở kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa diễn ra, quyết tâm về tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định với một trong ba lĩnh vực trọng tâm là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Cuối cùng thì dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13, cho dù mới chỉ ở chương trình chuẩn bị.

Theo dõi quá trình đề xuất, thảo luận, quyết định chương trình lập pháp của Quốc hội thì đây là một điều không dễ lý giải.

Bởi ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, một số vị đại biểu đã nêu rõ sự cần thiết phải ban hành dự án luật để “quản số tài sản lớn mà nhân dân đang giao cho Chính phủ nắm”.

Tại kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2009, khi Quốc hội khóa 12 tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã đề nghị phải có luật kinh doanh về vốn.

Theo phân tích của đại biểu Lịch thì tại thời điểm đó, nhân dân giao Chính phủ nắm một số vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ USD, chưa kể 365 nghìn ha mặt bằng đất đai đang kinh doanh.

Bởi thế, rất cần có một đạo luật chế định nhà nước với tư cách là nhà đầu tư, chứ không phải nhà nước với tư cách nhà nước. "Nhà nước với tư cách là nhà nước thì Luật Doanh nghiệp đã điều chỉnh, còn nhà nước với tư cách là người cầm 30 tỷ USD đi đầu tư thì cần một đạo luật, nước nào cũng làm như vậy cả, chúng ta phải làm việc này càng sớm càng tốt", ông Lịch phát biểu.

Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình của nhiều vị đại biểu khác.

Cũng rất hiếm có nghị quyết nào lại nhận được sự tán thành của 100% đại biểu như nghị quyết sau giám sát nội dung này. Trong đó, Quốc hội đã giao Chính phủ sớm trình dự án Luật Sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.

Trong suốt hai năm qua, đề nghị phải sớm ban hành đạo luật này vẫn luôn được một số vị đại biểu nhắc lại ở nhiều diễn đàn khác nhau.

Ở kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa diễn ra, quyết tâm về tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định với một trong ba lĩnh vực trọng tâm là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, báo cáo về thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được Chính phủ gửi tới Quốc hội đã cho thấy không ít bất cập ở khu vực doanh nghiệp này.

Như, đầu tư ngoài ngành vẫn tăng, việc thoái vốn ở các ngành “tay trái” không đạt yêu cầu. Có 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 7 tổng công ty hơn 10 lần...

Một tài liệu của Ủy ban Kinh tế cũng dẫn số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2011 cho biết, hàng năm có khoảng 12% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ trong sản xuất kinh doanh và mức lỗ bình quân cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật của toàn khóa Quốc hội khóa 13, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang đã dẫn con số tại báo cáo mới nhất về doanh nghiệp nhà nước. Đó là hiện nay tài sản nhà nước, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khoảng 683 nghìn tỷ đồng trên tổng tài sản là 1.883 nghìn tỷ đồng. Và đây là lượng tài sản chiếm gần một nửa năng lực sản xuất của xã hội.

Cũng theo ông Quang, thì lợi nhuận của khối doanh nghiệp nhà nước năm nay cỡ khoảng 150.000 tỷ đồng và 70% (khoảng trên 100.000 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để tái đầu tư.

“Đây là con số gần tương đương toàn bộ ngân sách của nhà nước cho đầu tư công mà chúng ta không quản, tôi cho rằng đây cũng là sơ hở”, ông Quang phát biểu.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, năm 2010 lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty là 162.910 tỷ đồng, lớn hơn cả con số của năm nay đã được ông Quang nêu trên.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cũng tán thành với phân tích của ông Quang, rằng không thể bằng một nghị quyết và bằng sự kêu gọi từ Quốc hội mà có thể khiến doanh nghiệp nhà nước thay đổi được hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tham gia vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Bởi hiện nay nhà nước giao quyền cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng nhà nước không giao là phải làm ra lợi nhuận bao nhiêu. Vì vậy, nếu không nâng nghị định về quản lý đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước thành luật thì "sẽ mất cơ hội để thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế".

Từ 1/7/2010, Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực đã tạo ra lỗ hổng về hoạt động của lực lượng này cũng là điều đã được đại biểu Lịch cảnh báo nhiều lần tên diễn đàn Quốc hội.

“Lỗ hổng” mà vị đại biểu này quan ngại chính là Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, không điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ sở hữu là nhà nước với pháp nhân doanh nghiệp và người quản trị doanh nghiệp cũng như không điều chỉnh mục tiêu sử dụng vốn của nhà nước.

Lý do để đại biểu Lịch thêm một lần đề nghị cần sớm có luật sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất vì tại đây, Quốc hội sẽ quy định tất cả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Quốc hội và do Quốc hội giám sát. Vì cấp nào chế định về khung pháp lý thì phải báo cáo cấp đó để giám sát.

Nếu trong 5 năm của nhiệm kỳ này không làm luật quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước thì sẽ không tạo được cơ sở pháp lý để thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Lịch cùng quan điểm với đại biểu Quang.

Báo cáo tổng hợp thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ Quốc hội này cho biết có 3 ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật quản lý vốn của Nhà nước đầu tư vào kinh doanh vào chương trình toàn khóa.

Tuy nhiên, cho đến phiên thảo luận tại hội trường gần cuối kỳ họp thì trong danh sách danh sách hơn 100 dự án luật (kể cả chương trình chuẩn bị và chính thức) vẫn chẳng hề có bóng dáng dự án luật này. Trong khi, một số dự án luật được cho là chả có chút cấp bách nào như Luật Nhà văn lại hiện diện và gây không ít tranh cãi trong dư luận.

Việc này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích là do dự án luật này đã được đưa vào chương trình các khóa trước đây nhưng qua quá trình chuẩn bị, cơ quan trình dự án đề nghị đưa ra khỏi chương trình để có thêm thời gian tổng kết thực tiễn.

Với sự kiên trì của một số vị đại biểu kể trên, tại phiên bế mạc, trước khi Quốc hội nhấn nút biểu quyết chương trình xây dựng luật cho cả nhiệm kỳ 13, dự án luật “long đong” này đã “được” xếp hàng trong danh sách 38 dự án luật ở chương trình chuẩn bị.

Và lần này, lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “dự án đã thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 12, nhằm tạo cơ sở pháp lý quản lý vốn nhà nước góp phần phục vụ yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm nguồn vốn nhà nước được sử dụng hiệu quả”.

Như vậy, chỉ nguyên việc “đánh trống ghi tên” của một dự án luật góp phần phục vụ cho một công việc hết sức cấp bách là tái cơ cấu nền kinh tế cũng đã hết sức nhọc nhằn.

Chưa kể, nếu nhìn vào lộ trình xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội thì phải sau 2- 3 năm nữa, Chính phủ mới nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư vốn nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Sau khi tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện nghị định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu dự kiến sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ vào quý 4 năm nay.

Và, từ lúc trình đến lúc được Quốc hội thông qua cũng lại là một khoảng thời gian không ngắn nữa.