15:21 29/05/2017

Sửa Luật Tố cáo để cụ thể hoá quyền con người

Nguyễn Lê

Chính phủ cho rằng chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp nhưng uỷ ban thẩm tra của Quốc hội đề nghị cần bổ sung các hình thức khác

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình Quốc hội dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình Quốc hội dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).</span>
Chính phủ cho rằng chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp nhưng uỷ ban thẩm tra của Quốc hội đề nghị cần bổ sung các hình thức khác.

Sáng 29/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã trình Quốc hội dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Việc sửa luật, theo Chính phủ là nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 quyền tố cáo của công dân là quyền con người.

Hiến pháp năm 2013 đã có điểm mới so với Hiến pháp năm 1992 trong đó quy định quyền tố cáo là quyền con người chứ không chỉ dừng lại ở quyền công dân, đề cao vấn đề thực thi quyền con người, quyền công dân… Tổng thanh tra nhấn mạnh.

Sự cần thiết phải sửa luật, theo Chính phủ còn ở chỗ những thay đổi về quy trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng liên quan đến việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo của người dân trong Luật tố cáo. 

Tờ trình của Chính phủ cũng tách riêng một phần về những vấn đề còn ý kiến khác nhau để báo cáo Quốc hội, trong đó có hình thức tố cáo.

Chính phủ cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, dự thảo luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật tố cáo năm 2011): tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình thức trên cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại…để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.  

Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp.

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Pháp luật cũng có hai loại ý kiến nhưng đa số cho rằng cần bổ sung sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. 

Hơn nữa, trong một số văn bản luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này, chẳng hạn Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 65).

Cơ quan thẩm tra lập luận, quy định như vậy cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành (như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử ….

 Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật - Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra góp ý, quy định về hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp là chưa chuẩn xác, mà nên quy định như hình thức của hợp đồng là bằng văn bản (văn bản thông thường hoặc văn bản điện tử) hoặc bằng lời nói (gặp trực tiếp để nói hoặc nói qua điện thoại). 

Nếu quy định có hình thức “trực tiếp” thì cần làm rõ trường hợp nào là “gián tiếp”, nếu quy định không rõ, không đầy đủ về hình thức tố cáo sẽ làm hạn chế quyền tố cáo của công dân - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Liên quan đến tố cáo nặc danh, Chính phủ vẫn kiên trì quy định chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. Vì, Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến  59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. 

Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo

Đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Bởi vì, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, một số thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.