14:51 30/09/2014

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Nên có cơ chế từ chức?

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.<br>
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.<br>
Có nên quy định cơ chế từ chức không, báo chí nêu rất nhiều, giờ đổi mới có dám nêu cái đó không? Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề khi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng 30/9.

Lấy phiếu tín nhiệm có cần được quy định trong luật không là câu hỏi khác của ông Sơn, bên cạnh hàng loạt câu hỏi khá được đặt ra với Ban soạn thảo dự án luật.

Vai trò của Chính phủ trong bảo vệ Hiến pháp thế nào là câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Theo Chủ tịch thì quyền đi liền với trách nhiệm nhưng ở dự thảo luật quyền thì nói mà trách nhiệm không thấy nói. Ví dụ Chính phủ tổ chức chức thi hành Hiến pháp không tốt thì chịu trách nhiệm trước ai.

Luật nêu quyền hạn khá rõ, nhưng trách nhiệm thì từ Thủ tướng đến bộ trưởng đều không rõ, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét.

Khi ý kiến thủ tướng trái ý kiến Chính phủ thì nghe ai? Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng băn khoăn.

Ở câu trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chủ yếu xin tiếp thu, nghiên cứu.

Với câu hỏi của Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời việc miễn nhiệm bãi nhiệm đã được Bộ Chính trị quy định và Luật Cán bộ công chức cũng có nêu, nếu cần thiết thì sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng xem có đề cập trong luật này hay không.

Thủ tướng phải báo cáo trước nhân dân

Theo tờ trình được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày, mục tiêu sửa luật là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước.

Cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Pháp luật- cho rằng các nội dung thể hiện trong dự thảo luật về cơ bản vẫn kế thừa cách tiếp cận trong luật hiện hành mà chưa đưa ra được những nội dung mới thực sự mang tính đột phá để có thể thực hiện được mục tiêu nói trên.

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng trong dự thảo luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng.

Đặc biệt dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng“Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Cho rằng dự thảo luật còn một số nội dung chưa bám sát Hiến pháp,  Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc dẫn chứng: Hiến pháp chỉ nói Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ thôi nhưng luật lại nói Thủ tướng là người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước.

Bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của bộ

Quy định về nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước là một trong những nội dung Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo luật hiện hành thì bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước”. Tuy nhiên, trong thực tế chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, chỉ thực hiện đối với một số bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, đa số ý kiến cho rằng không nên giữ quy định này trong dự thảo luật.

Nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị trước mắt trong giai đoạn hiện nay, giữ nguyên như Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 để bảo đảm sự kiểm soát, định hướng của Chính phủ đối với các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Quan điểm của Chính phủ là không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước như Luật tổ chức Chính phủ năm 2001.

Mà chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ do Chính phủ thực hiện. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định và phân công việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình cao của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng.

Cũng đồng tình với Chính phủ song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu chỉ ghi đơn giản như dự thảo luật là Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu thì sẽ có khoảng trống trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, như thực tế đã từng diễn ra.