11:08 22/07/2017

Tạm đình chỉ một giám đốc vụ nhận chìm 1 triệu m3 chất nạo vét đáy biển

Bạch Dương

Ông Hà Quốc Quân bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm

Theo hồ sơ dự án, chất nạo vét đáy biển có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò.
Theo hồ sơ dự án, chất nạo vét đáy biển có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò.
Sáng 22/7, Bộ Công Thương xác nhận, ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, đã bị đình chỉ công tác.

Ông Quân hiện cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, là đơn vị tư vấn việc nhận chìm khoảng 1 triệu m3 chất nạo vét đáy biển xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (hiện chưa hoạt động), có hạng mục bến cảng phục vụ nhà máy. Theo thiết kế, để đảm bảo độ sâu nước cho tàu cập cảng, thì phải thi công nạo vét đáy biển tại các khu vực mặt nước trước bến và vũng quay tàu. Toàn bộ khối lượng nạo vét dự kiến được đổ tại bãi đổ ngoài biển, cách khu vực Hòn Cau khoảng 8 km.

Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông gần đây đưa thông tin, hồ sơ dự án nhận chìm khối lượng nạo vét nói trên nêu danh sách thành viên tham gia gồm 14 người với đầy đủ chức danh học hàm, học vị, chuyên ngành và đơn vị công tác. Song đến nay, một số nhà khoa học đã lên tiếng cho rằng bị mạo danh và không tham gia dự án. Đó là TS. Nguyễn Tác An, Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển), Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam).

Bộ Công Thương cho biết đã thành lập tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp. Theo đó, việc ông Hà Quốc Quân - viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện - nhưng lại tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, tức Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, là vi phạm điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2012), Luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp tiến hành kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân theo quy định.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp cũng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm.

Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép nhận chìm khối lượng chất nạo vét đáy biển nói trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, do lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến môi sinh tại vùng biển. Đồng thời, thành lập một tổ chức độc lập kiểm tra xem xét do việc nạo vét đổ chất thải ra vùng biển Bình Thuận; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới việc cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, trong quá trình thẩm định dự án nhận chìm chất nạo vét đáy biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bám sát 4 yếu tố: chất nạo vét không được là chất chứa phóng xạ, chất độc vượt tiêu chuẩn môi trường; không tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và nguồn lợi thuỷ sản; không thể lưu giữ trên đất liền hoặc không hiệu quả về kinh tế - xã hội; và thuộc danh mục được phép nhận chìm. Cả 4 yếu tố này qua thẩm định thì đều đáp ứng, nên theo quy định của pháp luật thì phải cấp phép cho dự án.

Ông Sơn cho biết, theo hồ sơ của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 thì chất nạo vét đáy biển có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò…, nên khả năng phát tán ra môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp. Ngoài ra vị trí nhận chìm là vùng sâu hơn rất nhiều so với khu vực Hòn Cau, nên việc dịch chuyển vật chất đã nhận chìm ngược lên khu vực Hòn Cau là ít khả năng xảy ra.