17:30 10/11/2012

Tăng rất cao nhiều mức phạt vi phạm giao thông từ 10/11

An Nhi

Điều khiển xe không chính chủ có thể phải chịu mức phạt đến 10 triệu đồng

Theo Nghị định 71, sẽ phạt từ 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm không dừng xe hoặc chống đối người thi hành công vụ khi có hiệu lệnh - Ảnh minh họa.
Theo Nghị định 71, sẽ phạt từ 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm không dừng xe hoặc chống đối người thi hành công vụ khi có hiệu lệnh - Ảnh minh họa.
Hôm nay (10/11), Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, hàng loạt các hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt với mức tăng cao, thậm chí gấp nhiều lần so với trước đây.

Đáng chú ý, có 3 nhóm hành vi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt lên rất cao, gồm:

- Ôtô chở người vượt quy định bị phạt tăng lên mức 300.000 - 500.000 đồng trên mỗi một người mà xe chở quá quy định. Riêng xe khách chạy tuyến chịu mức phạt riêng và tăng lên mức 800.000 – 1.000.000 đồng trên mỗi người mà xe chở quá quy định;

- Hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn vượt quá quy định bị tăng phạt lên đến 300%. Mức cụ thể đối với người điều khiển ôtô là 10-15 triệu đồng, mức cũ là 4-6 triệu đồng. Số tiền phạt tăng từ 500.000 - 1.000.000 đồng trước đây lên mức 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy;

- Hành vi lái xe ôtô vượt quá tốc độ cho phép bị xử phạt tăng lên mức từ 600.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy từng trường hợp chạy xe vượt quá quy định bao nhiều km/h. Mức phạt với xe máy cũng tăng lên 500.000 - 1.000.000 đồng nếu quá tốc độ quy định từ 10 -20 km/h, riêng trường hợp quá quy định 20 km/h phải chịu mức phạt đến 2-3 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định 71, nhiều hành vi vi phạm giao thông khác phải chịu mức xử phạt rất cao. Chẳng hạn, mức phạt 8-10 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày được áp dụng với người điều khiển phương tiện đi ngược chiều trên đường cao tốc; phạt từ 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm không dừng xe hoặc chống đối người thi hành công vụ khi có hiệu lệnh; tăng phạt từ 4 lên tới 6 triệu đồng đối với người cổ vũ, kích động, đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ...

Trong số các hành vi vi phạm giao thông, một hành vi đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau là điều khiển xe không chính chủ. Theo nội dung nghị định, hành vi này phải chịu mức xử phạt đến 10 triệu đồng.

Việc áp dụng mức xử phạt cao với người điều khiển phương tiện không chính chủ là nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động chuyển nhượng phương tiện, tránh những trường hợp chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ, từ đó tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt hành vi trên là khó khả thi bởi lượng người điều khiển phương tiện không chính chủ hiện nay rất lớn, chủ yếu là xe máy. Chưa kể rất nhiều trường hợp phương tiện được người điều khiển mượn của bạn bè, người thân…

Do vậy, theo cơ quan cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, nếu người điều khiển phương tiện đi mượn hoặc thuê thì buộc phải chứng minh chủ sở hữu phương tiện là ai bằng các loại giấy tờ có tính pháp lý kèm theo.