15:18 28/10/2015

Thảm án liên tiếp và “thiếu sót ở tầm vĩ mô”

Nguyên Vũ

Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.<br>
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.<br>
“Chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả ba góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình”, đại biểu Lê Thị Nga phân tích về nguyên nhân các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi nghe hết các báo cáo, Quốc hội còn lại chiều 28/10 để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng.

Quốc hội, Chính phủ cần vào cuộc

Như một số lần phát biểu trước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tập trung phát biểu một vấn đề: giải pháp phòng, chống các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng.

Việc thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giết người, thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, theo đại biểu Nga không chỉ gây bức xúc, lo lắng trong xã hội mà còn là sự thách thức lớn đối với Nhà nước.

Và theo bà, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp chặn đứng và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.

Ngoài nguyên nhân trực tiếp của từng vụ đã được nêu trong các kết luận tố tụng, đại biểu Nga còn nhìn nhận 5 nguyên nhân gián tiếp, mà theo bà là xuất phát từ những thiếu sót trong quản lý xã hội ở tầm vĩ mô.

“Chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình”, bà Nga nói.

Đề cập nguyên nhân về giáo dục xã hội, vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, xã hội có những thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý đã không theo kịp.

Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống thực dụng, hưởng thụ đã hối thúc nhiều người trẻ bất chấp pháp luật, đạo lý, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích.

Bên cạnh đó, những biểu hiện mất công bằng, lối sống thiếu gương mẫu, trục lợi, tham nhũng, chạy chức quyền của một bộ phận người trưởng thành tác động hàng ngày, cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ, theo bà Nga.

Thực tế này, cộng với việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng.

Họ có xu hướng hành động bản năng, thiếu kiềm chế, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Có trường hợp quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác (như giết cả nhà người yêu khi bị bỏ), bà Nga phân tích.

Bên cạnh lỗ hổng trong giáo dục gia đình, đại biểu Nga cho rằng trong nhà trường giáo dục kỹ năng sống hầu như ít được quan tâm trong bậc phổ thông, đại học.

Các nguyên nhân từ mặt không tích cực của sự bùng nổ thông tin, báo chí đưa tin quá tỷ mỉ rùng rợn về các vụ án… cũng được đại biểu Nga đề cập.

Tình trạng mất kiểm soát việc sử dụng rượu bia, lạm dụng rượu bia khá phổ biến trên cả nước, theo bà đang là nguyên nhân trực tiếp, tiềm tàng của nhiều vụ giết người, gây thương tích.

Nguyên nhân nữa là thiếu sót trong quản lý khiến các đối tượng tiếp cận quá dễ các công cụ phạm tội như vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ, mã tấu, súng, kiếm, dao….

Tình trạng “mua vũ khí nóng dễ như mua rau” được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, theo bà Nga là minh chứng cụ thể.

4 kiến nghị

Theo đại biểu Nga thì  Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung nghị quyết.

Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Đồng thời cần sớm ban hành Luật Về phòng chống lạm dụng rượu bia, Luật Về sức khỏe tâm thần.

“Đây cũng là thông điệp: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân”, bà Nga nói.

Với Chính phủ, đại biểu Nga đề nghị cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các trung tâm tội phạm học của ngành công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị các vị bộ trưởng các bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục, Công an, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có giải pháp khắc phục các nguyên nhân thuộc trách nhiệm của ngành mình.

Kiến nghị thứ 4 của đại biểu Nga là Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần xây dựng chiến lược và chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại.