15:16 14/01/2011

Tham luận tại Đại hội XI: Nghiêm trị “giàu nhanh” do tiêu cực

Nguyên Hà

Đã xuất hiện dấu hiệu sự liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn để tiêu cực, tham nhũng

Đại biểu Vũ Tiến Chiến: "Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Vũ Tiến Chiến: "Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”. Ảnh: TTXVN
Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh” là nội dung được nhấn mạnh tại tham luận “Một số kiến nghị và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng” tại Đại hội Đảng XI, sáng 14/1.

Trình bày tham luận này, ông Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị Đoàn chủ tịch Đại hội bố trí thời gian đề nhiều đại biểu phát biểu, trao đổi về công tác này tại hội trường.

Móc nối để tham nhũng

Tình hình tham nhũng hiện nay đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp, là một trong các vấn đề quan tâm bức xúc hàng đầu của toàn xã hội; hiện đang còn nhiều ý kiến đánh giá, nhận định khác nhau về tình hình tham nhũng và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, ông Chiến phát biểu.

Tuy nhiên, nhận định nhận được sự cơ bản thống nhất là: “Công tác phòng chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo có chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến triển, tạo tiền đề thúc đẩy cho các năm tiếp theo“.

Về những hạn chế, yếu kém, được đặt lên hàng đầu là giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn trong công tác phòng chống tham nhũng còn có khoảng cách đáng kể.

“Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “giàu nhanh”, “lên chức nhanh” chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ; sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước trong một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi...".

Đặc biệt, tham luận còn đưa ra nhận định: "Đã xuất hiện dấu hiệu sự liên kết, móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng”.

Nghiêm trị “giàu nhanh” do tiêu cực

Để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã đưa ra một số kiến nghị.

Trong đó, đề nghị Đại hội XI trong việc lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung, cần coi trọng các tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”. Nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập. Nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị, ông Chiến phân tích.

“Không thể nói là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí khi ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương của mình không triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và không kiên quyết phát hiện và xử lý các vụ việc vụ án tham nhũng”, tham luận nêu rõ.

Trước phiên thảo luận tại hội trường, phòng chống tham nhũng nói riêng và công tác cán bộ nói chung cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận tại đoàn.

Trả lời báo chí bên hành lang Đại hội, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng cho rằng, tham nhũng hiện nay không chỉ tinh vi mà còn thô bạo, do cơ chế quản lý còn nhiều sơ hở.

Liên quan đến công tác cán bộ, Báo cáo chính trị của Đại hội cũng nêu rõ nội dung tập trung vào đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỷ luật của Đảng.