07:49 09/09/2015

Tham vấn chính sách: Từ diễn đàn, đến nghị trường

Nguyên Thảo

Chiếc cầu từ diễn đàn đã được bắc đến nghị trường, không chỉ qua báo cáo của cơ quan tổ chức

Một phiên họp tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2014.
Một phiên họp tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2014.
Như đã nói ở bài trước, ngay từ nhiệm kỳ khóa 12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thành công với cơ chế tham vấn chính sách có độ mở khá cao.

Từ đầu năm 2012, các hội thảo đánh giá tình hình kinh tế của Ủy ban Kinh tế đã được mở rộng về quy mô và nâng cao hơn nữa về chất lượng, trở thành diễn đàn kinh tế mùa xuân và mùa thu hàng năm.

Thật khó để có thể tóm tắt lại, dù chỉ là tương đối đầy đủ những vấn đề từ tranh luận tại diễn đàn đã đi vào các kiến nghị và cụ thể hóa vào các chính sách được ban hành sau đó, trong khuôn khổ có hạn của bài viết này.

Nhưng, điều có thể thấy rất rõ, là những thông tin được chắt lọc từ diễn đàn đã không chỉ “thấm” vào các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế mà còn xuất hiện đặc biệt hơn, cũng chính ở diễn đàn Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 6/2014, giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã khiến nghị trường dậy sóng.

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế xã hội, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh rằng, thời điểm khó khăn như lúc ấy, cũng chính là thời cơ cho Việt Nam có thêm động lực để triển khai quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng Trung Quốc.

Bàn sâu hơn về cải cách thể chế trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, vị đại biểu này bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của một vị chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm ấy.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói tại nghị trường: “Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cũng chọn chủ đề “động lực mới từ cải cách thể chế” cho Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2014 ngay trước thềm kỳ họp Quốc hội này. Tôi rất đồng tình với quan điểm của một vị chuyên gia tại diễn đàn này là: thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm ba trụ cột là nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.

Trong đó, nền kinh tế phải hội được những yếu tố cốt lõi như: xác lập rõ ràng quyền sở hữu tài sản của mọi chủ thể trong nền kinh tế; bảo đảm quyền tự chủ, tự do và bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong khuôn khổ pháp luật hợp đồng; quy luật cạnh tranh, sàng lọc, đào thải và phát triển phát huy tác dụng tốt; giá cả phải được hình thành theo quy luật cung cầu trên thị trường và mọi nguồn lực trong nền kinh tế phải được phân bổ theo nguyên tắc này; và chi phí giao dịch kinh tế là thấp nhất có thể để khuyến khích tối đa các giao dịch kinh tế diễn ra.

Còn nhà nước cần xác định lại cho đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ với thị trường, chỉ cần và chỉ nên can thiệp ở đâu, khi nào và thông qua công cụ điều tiết gì. Mức độ quyền lực của các cơ quan công quyền nhất thiết phải được cân bằng với trách nhiệm giải trình và tính công khai minh bạch của chính nó, đồng thời mọi quyền lực đều phải chịu một cơ chế giám sát tương xứng.

Yếu tố thứ ba của mô hình thể chế mới là xã hội dân sự, để đối trọng, giám sát và phản biện hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ý tưởng này cần được xuyên suốt trong mọi hành động cải cách ở mọi lĩnh vực, bộ phận thể chế quốc gia”.

Sau đó, một bạn đọc là người am hiểu về hoạt động nghị trường đã viết trên trang cá nhân của mình rằng ý kiến của đại biểu Hà Sỹ Đồng “cần chú ý đặc biệt, vì lần đầu tiên, khái niệm xã hội dân sự đã vang lên ở một diễn đàn lớn nhất của quốc gia - phiên họp toàn thể của Quốc hội”.

Để khái niệm đó có thể vang lên ở nghị trường thì trước khi Quốc hội khai mạc, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nhấn mạnh “đến lúc cần thừa nhận xã hội dân sự”, dù ông cũng nêu ra thực tế “hiện nay ta đang cấm kỵ dùng cụm từ xã hội dân sự”.

Một ví dụ như vậy phần nào cho thấy chiếc cầu từ diễn đàn đã được bắc đến nghị trường, không chỉ qua báo cáo của cơ quan tổ chức.

Và chiếc cầu đó dường như vẫn rất liền nhịp, khi tại diễn đàn cuối cùng của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa 13, vấn đề cải cách thể chế vẫn nằm trong trong sự sốt ruột của nhiều chuyên gia, trong đó có ông Tuyển.

Diễn đàn cuối cùng của Ủy ban Kinh tế khóa 13 đã khép lại, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến cải cách thể chế kinh tế có thể tiếp tục mở ra trong các bàn thảo, và quan trọng hơn là trong hành động.

Kỳ cuối: Và những tiếc nuối

Chuyến xe chở khách mời từ Hà Nội vào Thanh Hóa - nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 vào cuối tháng 8 vừa qua rất vắng những người trẻ tuổi, vắng cả các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ phương Nam.