Tham vấn chính sách: Và những tiếc nuối
Người viết bài này đặc biệt ấn tượng với Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2013
Lắng nghe từ lời khai mạc đến phát biểu bế mạc của 7 trong 8 diễn đàn được tổ chức trong 4 năm qua, người viết bài này đặc biệt ấn tượng với Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2013, được tổ chức tại Nha Trang.
Trước hàng trăm vị khách mời, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét: Việt Nam có nhiều hội thảo về kinh tế, nhưng đối với ông, đây là một trong các diễn đàn có chất lượng tốt nhất, với tinh thần khoa học và xây dựng.
Tại diễn đàn ấy, khi góc nhìn thẳng thắn từ một bản tham luận được công bố trên VnEconomy, điện thoại một số vị lập tức đổ chuông. Tiếng thầm thì lan đi, kiểm tra lại tài liệu… Những quan điểm, số liệu từ bản tham luận đó đã được chủ tọa chủ động tham vấn tác giả tham luận khác. Phát biểu, và tranh luận công khai…
Cũng chính ở diễn đàn đó, một vị đang làm ở cơ quan nhà nước sau khi nghe không ít nhận xét về sự ì ạch của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã chẳng ngại ngần gì khi phát biểu trước hàng trăm chuyên gia: “Nền kinh tế đất nước bị thế này có đóng góp không nhỏ của các chuyên gia, nhà kinh tế”.
Nhưng, ấn tượng hơn cả vẫn là sự tham gia của những người trẻ (trên dưới 45 tuổi). Họ, không phải ai cũng muốn được khoác lên mình hai chữ “chuyên gia”, song đã rất thẳng thắn từ tham luận đến tranh luận.
Cho đến tận phiên thảo luận cuối cùng, đã cận giờ bế mạc, một vị diễn giả trẻ vẫn nối dài tranh luận với quan điểm nhấn mạnh: để tái cơ cấu thành công, cần sự gương mẫu dẫn đầu của Chính phủ trong cắt giảm bộ máy, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chứ không dồn gánh nặng lên vai người dân.
Sau đó là lưu ý của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: “Tôi hay nhắc các bạn trẻ nói hay nhưng đừng cao hứng quá”.
Khi đọc được phát biểu của mình trên báo chí, vị diễn giả trẻ có bày tỏ rằng không ngờ phát biểu vào phút cuối vẫn được báo chí chú ý như thế.
Còn vị khác nói vui rằng, những bài báo viết về diễn đàn hấp dẫn như truyện… kiếm hiệp.
Cả hai nhận xét ấy đều gián tiếp nói lên một điều rằng, không khí tranh luận tại diễn đàn rất hấp dẫn.
Chỉ tiếc, chưa một lần nào được trở lại không khí ấy ở các diễn đàn sau đó...
Gần đây nhất, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 với chủ đề về hội nhập kinh tế, chỉ có hai bản tham luận mang tính đề dẫn, và một trong số đó, như nhận xét của một vị chuyên gia là “không có gì để bình luận thêm cả, vì không có gì… mới”.
Chuyến xe chở khách mời từ Hà Nội vào Thanh Hóa - nơi tổ chức diễn đàn - cũng rất vắng những người trẻ tuổi, vắng cả các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ phương Nam.
Và rốt cuộc, các vị chuyên gia trung niên và cao niên quen thuộc chỉ cùng nhau “đào hào”, chứ không thể “đào giếng” như kỳ vọng.
Những thay đổi đó, có nhiều lý do, từ cả phía những người tham dự và cơ quan tổ chức, trong đó có sự “vất vả” về tài chính, như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã nêu, khi nhìn lại cả 8 diễn đàn.
Nhưng có lẽ, nguyên nhân chính vẫn liên quan đến câu hỏi của chuyên gia Trương Đình Tuyển, ở bài thứ nhất, “tại sao hội thảo nhiều thế mà làm ít thế”.
Trước hàng trăm vị khách mời, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét: Việt Nam có nhiều hội thảo về kinh tế, nhưng đối với ông, đây là một trong các diễn đàn có chất lượng tốt nhất, với tinh thần khoa học và xây dựng.
Tại diễn đàn ấy, khi góc nhìn thẳng thắn từ một bản tham luận được công bố trên VnEconomy, điện thoại một số vị lập tức đổ chuông. Tiếng thầm thì lan đi, kiểm tra lại tài liệu… Những quan điểm, số liệu từ bản tham luận đó đã được chủ tọa chủ động tham vấn tác giả tham luận khác. Phát biểu, và tranh luận công khai…
Cũng chính ở diễn đàn đó, một vị đang làm ở cơ quan nhà nước sau khi nghe không ít nhận xét về sự ì ạch của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã chẳng ngại ngần gì khi phát biểu trước hàng trăm chuyên gia: “Nền kinh tế đất nước bị thế này có đóng góp không nhỏ của các chuyên gia, nhà kinh tế”.
Nhưng, ấn tượng hơn cả vẫn là sự tham gia của những người trẻ (trên dưới 45 tuổi). Họ, không phải ai cũng muốn được khoác lên mình hai chữ “chuyên gia”, song đã rất thẳng thắn từ tham luận đến tranh luận.
Cho đến tận phiên thảo luận cuối cùng, đã cận giờ bế mạc, một vị diễn giả trẻ vẫn nối dài tranh luận với quan điểm nhấn mạnh: để tái cơ cấu thành công, cần sự gương mẫu dẫn đầu của Chính phủ trong cắt giảm bộ máy, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chứ không dồn gánh nặng lên vai người dân.
Sau đó là lưu ý của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: “Tôi hay nhắc các bạn trẻ nói hay nhưng đừng cao hứng quá”.
Khi đọc được phát biểu của mình trên báo chí, vị diễn giả trẻ có bày tỏ rằng không ngờ phát biểu vào phút cuối vẫn được báo chí chú ý như thế.
Còn vị khác nói vui rằng, những bài báo viết về diễn đàn hấp dẫn như truyện… kiếm hiệp.
Cả hai nhận xét ấy đều gián tiếp nói lên một điều rằng, không khí tranh luận tại diễn đàn rất hấp dẫn.
Chỉ tiếc, chưa một lần nào được trở lại không khí ấy ở các diễn đàn sau đó...
Gần đây nhất, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 với chủ đề về hội nhập kinh tế, chỉ có hai bản tham luận mang tính đề dẫn, và một trong số đó, như nhận xét của một vị chuyên gia là “không có gì để bình luận thêm cả, vì không có gì… mới”.
Chuyến xe chở khách mời từ Hà Nội vào Thanh Hóa - nơi tổ chức diễn đàn - cũng rất vắng những người trẻ tuổi, vắng cả các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ phương Nam.
Và rốt cuộc, các vị chuyên gia trung niên và cao niên quen thuộc chỉ cùng nhau “đào hào”, chứ không thể “đào giếng” như kỳ vọng.
Những thay đổi đó, có nhiều lý do, từ cả phía những người tham dự và cơ quan tổ chức, trong đó có sự “vất vả” về tài chính, như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã nêu, khi nhìn lại cả 8 diễn đàn.
Nhưng có lẽ, nguyên nhân chính vẫn liên quan đến câu hỏi của chuyên gia Trương Đình Tuyển, ở bài thứ nhất, “tại sao hội thảo nhiều thế mà làm ít thế”.