02:02 11/11/2011

Tháng 4/2012, trình đề án cải cách tiền lương

Nguyễn Vũ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp cải cách tiền lương cán bộ, công chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói về định hướng cải cách tiền lương tại nghị trường - Ảnh: CTV
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói về định hướng cải cách tiền lương tại nghị trường - Ảnh: CTV
Tháng 4/2012 sẽ trình thực hiện cải cách tiền lương là thông tin được Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết tại văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Dù lương tối thiểu đã được quyết định tăng lên mức 1.050.000 nghìn đồng/tháng từ 1/5 năm sau, song theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức vẫn quá thấp.

Giải pháp tham mưu cho Chính phủ để giải quyết tình trạng này là một trong những nội dung chất vấn được ông gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại văn bản trả lời mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 - 2020 để báo cáo Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 5 của Đảng vào tháng 4/2012.

Về định hướng xây dựng cải cách tiền lương thời gian tới, văn bản trả lời chất vấn cho biết, sẽ tách bạch rõ tiền lương của cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước đảm bảo, và tính trong chi phí quản lý hành chính Nhà nước.

Tiền lương của lực lượng vũ trang do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi quốc phòng, an ninh… tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện theo cơ chế riêng, và tính trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bình cũng cho biết, lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995 và trợ cấp ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi ngân sách nhà nước cho an sinh và phúc lợi xã hội. Lương hưu của người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về sau do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.

“Cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần phòng chống tham nhũng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước”, văn bản trả lời chất vấn nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Bình, sau khi có kết luận của Hội nghị Trung ương 5, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các nội dung của đề án cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước.

Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội trong tuần đầu của kỳ họp, Bộ trưởng Bình cũng đã nhấn mạnh cải cách tiền lương là vấn đề mang tính chất cấp bách, bức xúc và được tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị rất quan tâm.

Về lộ trình, theo ông Bình, dự kiến từ năm 2012 đến 2014 cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp. Sau khi đạt được điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu thì mới tính quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa. Rồi sau đó mới tính đến ngạch lương, thang lương, bậc lương.

Cũng liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức, đại biểu Bùi Sỹ Lợi còn chất vấn Bộ Nội vụ về giải pháp đảm bảo biên chế hợp lý nhằm tạo cơ sở cho cải cách chính sách tiền lương.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời: trong những năm qua, việc tăng biên chế chủ yếu để tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường, đất đai, biển và hải đảo; thi đua, khen thưởng; dân tộc, tôn giáo; du lịch; ngoại vụ; dân số, kế hoạch hóa gia đình; quản lý thị trường…

Việc bổ sung biên chế công chức hàng năm theo đề nghị của bộ, ngành và địa phương là một yêu cầu khách quan, do nhu cầu công việc thực tế đòi hỏi trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển toàn diện, sâu rộng, phức tạp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo Luật Cán bộ, công chức. Qua đó xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ quan Nhà nước, nhằm tạo cơ sở cho cải cách tiền lương có tính khả thi.