15:03 21/05/2016

Thủ tướng: “Không quân sự hóa biển Đông”

Nhật Bình

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN-Nga

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị cấp cao ASEAN-Nga - Ảnh: VGP.
Các nhà lãnh đạo dự hội nghị cấp cao ASEAN-Nga - Ảnh: VGP.
“Tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách là các quốc gia liên quan kiềm chế, ngưng các hành động đơn phương, không quân sự hóa ở biển Đông”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Nga, diễn ra ở thành phố Sochi, Nga, hôm 20/5.

“Ngoại giao và pháp lý”


Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, biển Đông là nơi có tuyến hàng hải, hàng không quốc tế quan trọng. Các nước ASEAN và Việt Nam xác định hòa bình, an ninh ở biển Đông có ý nghĩa thiết yếu đối với hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu, do vậy cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

“Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử ở biển Đông (DOC) ký năm 2002, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, tại các hội nghị quan trọng như cấp cao và cấp bộ trưởng, các nước ASEAN đã có các tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, cho rằng các hành động đơn phương sẽ làm thay đổi nguyên trạng tình hình ở biển Đông, trái với DOC cũng như luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòi lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.

Thủ tướng cũng mong muốn Nga tiếp tục ủng hộ việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực.

“Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng quan hệ ASEAN-Nga đứng trước những vận hội mới tươi sáng nhờ vào những cơ sở ngày càng vững chắc hơn, đồng thời là những động lực ngày mạnh mẽ hơn, đó là những lợi ích chung về hòa bình, an ninh, phát triển, thiện chí và khả năng to lớn cho sự ủng hộ, hỗ trợ trên nhiều mặt”, Thủ tướng nói.

“Đây là một trong những mối quan hệ tích cực và quan trọng nhất không những đối với ASEAN, Nga mà cả đối với khu vực và quốc tế. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực nhất vào những nỗ lực đưa quan hệ ASEAN-Nga lên tầm cao mới”.

Thủ tướng: “Không quân sự hóa biển Đông” 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ba trọng tâm ASEAN - Nga


Thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ đánh giá cao đối với sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN-Nga, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, tuyên bố Sochi kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nga và chương trình hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020 và các văn kiện quan trọng khác được thông qua tại hội nghị cấp cao lần này sẽ là khuôn khổ và là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nga ngày càng thực chất và hiệu quả.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bên cùng quan tâm đến ba ưu tiên sau:

Một là, tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, nhất là trong các lĩnh vực an ninh biển, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cần đẩy mạnh đối thoại ở các cấp, kể cả cấp cao, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế an ninh khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, xây dựng các cơ chế hợp tác và cùng triển khai các biện pháp hiệu quả phù hợp. ASEAN đề  nghị Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Hai là, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư, năng lượng, du lịch, trong đó có việc đàm phán hiệp định thương mại tự do Nga-ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp.

ASEAN mong muốn Nga tích cực hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như các chương trình phát triển tiểu vùng Mekong và quản lý sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ba là, thúc đẩy hợp tác văn hóa-xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, giao lưu văn hóa và nhân dân, trao đổi sinh viên và thanh niên; tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, thực hiện chương trình nghị sự Liên hiệp quốc về phát triển bền vững đến SDG 2030 và thỏa thuận của hội nghị COP-21 về biến đổi khí hậu.

Việt Nam đề xuất một biện pháp cụ thể là Nga xem xét việc cùng các nước ASEAN tổ chức định kỳ, có thể là hàng năm, triển lãm kinh tế-thương mại Nga-ASEAN tại nước Nga, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng nay (21/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nga và tham dự hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Nga.