11:55 07/11/2014

“Thủ tướng nên giải trình trước dân về nợ xấu, nợ công”

Nguyễn Lê

Quy định Thủ tướng báo cáo trước nhân dân những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu đánh giá cao

Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, cần quy định rõ là Chính phủ có bao nhiêu bộ, gồm có bộ nào, nếu thêm bớt thì trình Quốc hội quyết định - Ảnh: VnExpress.<br>
Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, cần quy định rõ là Chính phủ có bao nhiêu bộ, gồm có bộ nào, nếu thêm bớt thì trình Quốc hội quyết định - Ảnh: VnExpress.<br>
Ngoài các thành viên Chính phủ thì Thủ tướng cũng nên lên truyền hình trả lời trước nhân dân về nợ xấu, nợ công, đại biểu Phạm Văn Tam góp ý về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Ví dụ này được đại biểu Tam đặt trong bối cảnh quy định về thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng, là một trong những nhiệm vụ của Thủ tướng được quy định tại dự thảo luật.

Đánh giá rất cao quy định này, đại biểu Tam cho rằng nếu làm tốt việc này thì Chính phủ sẽ hòa đồng với nhân dân, tạo mối quan hệ tốt với nhân nhân. Song cần thể chế hóa cụ thể hơn như định kỳ một năm Thủ tướng sẽ bao nhiêu lần lên truyền hình giải trình trước nhân dân về các vấn đề quan trọng của đất nước. Và sau khi báo cáo, nếu nhân dân phản hồi thì cơ quan nào tiếp thu ý kiến để chuyển đến Thủ tướng.

 Ví dụ nợ xấu hay nợ công, ngoài trả lời của các thành viên Chính phủ, thì Thủ tướng cũng nên lên truyền hình trả lời trước nhân dân, ông Tam góp ý.

"Quy định Thủ tướng báo cáo nhân dân là rất hay, nhưng mới chỉ là một chiều, cơ chế và thời gian báo cáo ra sao và nhân dân có ý kiến lại thì thế nào, cần cụ thể hóa hơn nữa", đại biểu Hà Huy Thông góp ý.

Nhìn tổng thể cả dự án luật, ngoài điểm sáng nói trên, nhiều đại biểu phê dự thảo luật gần như không có gì mới.

"Sửa luật với lấp lóe tia hy vọng là qua đây có bộ máy hành pháp mang tư duy mới, nhưng dự thảo luật này chỉ sửa sang lại một tí, không biết thảo luận thế nào vì xưa nay vẫn thế rồi", đại biểu Trần Đình Nhã nhận xét.

Một điều được nhiều đại biểu nhấn mạnh là tuy luật về tổ chức nhưng quy định rất chung chung, không nói rõ số lượng phó thủ tướng hay số bộ là bao nhiêu.

"Đã là luật là phải quy định chặt chẽ về số lượng phó thủ tướng và bộ trưởng luôn để Quốc hội quyết định", đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị.

Vẫn liên quan đến tổ chức Chính phủ, đại biểu Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề khi sửa luật thì Ngân hàng Nhà nước có là thành viên của Chính phủ không?

"Các nước khác thì Ngân hàng Nhà nước là thiết chế độc lập do Chủ tịch nước và Quốc hội bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 7 năm và họ chỉ làm nhiệm vụ giữ lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền, câu chuyện độc lập về chính sách tiền tệ là câu chuyện quan trọng lắm", ông Hiển nói.

Theo ông Hiền thì cần quy định rõ là Chính phủ có bao nhiêu bộ, gồm có bộ nào, nếu thêm bớt thì trình Quốc hội quyết định.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói, ý kiến bà tiếp nhận được là có bộ 9 thứ trưởng còn không đủ người đi họp. Cứ nói cải cách hành chính mà thứ trưởng chỉ đi họp thì còn điều hành cái gì, bà Doan băn khoăn.

Nên chốt số lượng cấp phó ngay trong dự án luật này thì mới dự kiến được tổ chức bộ máy và kéo theo là ngân sách thế nào, từ đó ngân sách mới không bị “vỡ”, đại biểu Hà Huy Thông cùng quan điểm với nhiều vị khác.

"Cũng không nên quá cứng nhắc, khi cần thì có thể thêm hoặc bớt số lượng các bộ để phù hợp với thực tế, nhưng cần phải có sự ổn định tương đối", đại biểu Thông nói.