12:52 04/01/2011

Tiếp tục luật hóa các quyền hiến định của công dân

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Trong nhiệm kỳ khóa 12, Quốc hội đã thông qua 64 luật.
Trong nhiệm kỳ khóa 12, Quốc hội đã thông qua 64 luật.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân là một trong những nhu cầu, định hướng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011 - 2020.

Đây là một trong những nội dung tại Báo cáo sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, được khai mạc sáng nay (4/1).

Sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đứng đầu trong các nhu cầu, định hướng đó là tổng kết việc thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Một trong những nội dung nghiên cứu, sửa đổi là xác định rõ trong Hiến pháp vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo các nguyên tắc tổ chức quyền lực trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm khoa học, hiệu quả và sự giám sát đầy đủ của nhân dân.

Định hướng thứ thứ hai là xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Với định hướng tiếp theo, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân sẽ tập trung nghiên cứu luật hóa các quyền hiến định của công dân theo hướng: nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các luật về những quyền chưa được cụ thể hóa. Như quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền được trưng cầu dân ý, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin…

Hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các nhóm chủ thể đặc thù như người khuyết tật, người chuyển đổi giới tính, đồng tính, lưỡng tính cũng là nội dung đáng chú ý tại định hướng nêu trên.

Hoàn thiện pháp luật về kinh tế

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là một định hướng với nhiều nội dung cụ thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Theo đó, sẽ hoàn thiện thể chế về sở hữu Nhà nước theo hướng tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế, xã hội và vai trò chủ sở hữu tài sản.

Pháp luật về các thị trường và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô cũng sẽ đươc hoàn thiện nhằm hướng đến tối đa hóa hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu rõ.

Về một số lĩnh vực cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ định hướng hoàn thiện thể chế tài chính công nhằm đảm bảo hiệu quả hơn trong thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Tạo cơ chế kiểm soát hiệu quả các khoản vay nợ nước ngoài và chi tiêu ngoài ngân sách, kể cả các khoản bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp Nhà nước vay vốn, đảm bảo về lâu dài các nguồn tài sản phải được thể hiện trong ngân sách Nhà nước và quá trình sử dụng chúng phải sự giám sát của các cơ quan dân cử.

Một trong những nội dung đáng chú ý là hoàn thiện cơ bản pháp luật về đất đai, bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp của nông dân. Nhà nước chỉ thu hồi đất của nông dân vì mục đích công cộng được định nghĩa hẹp (như bao gồm các mục đích phục vụ an ninh, quốc phòng, giao thông công chính). Trong tất cả các dự án có tính thương mại khác, chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại quyền sử dụng đất của nông dân theo giá thỏa thuận, thống nhất quản lý nhà và các thửa đất thành một chỉnh thể thống nhất…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần xem lại những quy định cụ thể này cũng như một số vấn đề quá cụ thể khác, bởi rất khó có thể thực thi trong thực tế.