12:52 17/04/2010

Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được khởi kiện?

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Người tiêu dùng được khuyến khích tiêu dùng lành mạnh, thân thiện với môi trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Người tiêu dùng được khuyến khích tiêu dùng lành mạnh, thân thiện với môi trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Theo Chính phủ, người tiêu dùng Việt Nam đang phải sống trong một môi trường không an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm nghiêm trọng. Trong khi đó, các quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho quá trình phát hiện và xử lý các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu cấp thiết.

Với 8 chương, 66 điều, dự án luật quy định về trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng; tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan thẩm tra - đánh giá, dự án luật đã được soạn thảo công phu, đề xuất được nhiều giải pháp, cơ chế nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nội dung quan trọng của dự luật được tập trung thảo luận. Điều 27 quy định, tổ chức này có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo thuyết minh của Bộ Công Thương – cơ quan soạn thảo dự án luật, có nhiều vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra hết sức nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho cộng đồng (như xăng pha acetone…) nhưng giá trị vi phạm đối với từng người tiêu dùng là rất nhỏ. Chính vì vậy, người tiêu dùng rất ngại khởi kiện để yêu cầu bồi thường.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ được khởi kiện trong trường hợp được người tiêu dùng ủy quyền và chỉ bảo vệ cho những người tiêu dùng đã ủy quyền đó.

Chính vì vậy, việc trao quyền khởi kiện (đương nhiên) cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh và giúp các tổ chức này thể hiện được vai trò, vị trí của mình.

Cơ quan thẩm tra cũng phân tích, việc làm này sẽ giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận công lý và loại bỏ rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình và không phải chi phí quá lớn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, nên có sự cân nhắc, bởi nếu giao quyền khởi kiện cho viện kiểm sát thì thuận hơn về mặt nghiệp vụ.

Đa số ý kiến thảo luận cho rằng, cần quy định rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi phát biểu, có những loại dịch vụ công người tiêu dùng không tự kiểm định được chất lượng được nên Nhà nước phải tham gia tổ chức kiểm định chất lượng, hướng dẫn về giá cả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy với chất lượng tốt hơn.

Bảo vệ người tiêu dùng đang là một trong những vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo thống kê của Bệnh viện K, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý là, từ năm 2004 đến năm 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người bị mắc và 321 người tử vong.

Còn khảo sát của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Kết quả tổng kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% vi phạm về chất lượng.