18:52 24/09/2014

“Tranh luận sẽ nhiều hơn tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu”

Nguyên Hà

Diễn đàn Kinh tế Mùa thu sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng 9 tại Ninh Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.<br>
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.<br>
“Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”, đó là chủ đề đã được lựa chọn cho Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/9 tới đây.

Cũng như các diễn đàn được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức định kỳ vào mùa xuân và mùa thu hàng năm, đây là sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ của các chuyên gia kinh tế.

Vậy diễn đàn lần này có gì mới trong cách thức tổ chức và có gì đáng chú ý về nội dung? Một phần câu trả lời sẽ nằm trong cuộc trao đổi dưới đây, giữa VnEconomy với ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Chưa thể nói đã “mạnh mẽ và căn bản”

Thưa ông, hơn một năm trước, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 vẫn chứng kiến cuộc tranh luận nóng bỏng rằng có nên làm lại đề án tái cơ cấu nền kinh tế hay không. Nay hai chữ “kỳ vọng” có hàm ý là sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản ở đề án này còn quá xa?

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nội dung được thể hiện tại nghị quyết của Quốc hội với yêu cầu ngay từ năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ 2013 đến 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản có hiệu quả rõ rệt.

2015 đang đến rất gần, trong khi đó bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới của tái cơ cấu nền kinh tế .

Tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Do đó, việc nhìn lại, đánh giá triển khai, kết quả bước đầu 3 năm tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể và chi tiết là rất cần thiết, tại diễn đàn lần này.

Các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước rất kỳ vọng vào sự chuyển biển mạnh mẽ và cơ bản, để khắc phục những hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu, đưa nền kinh tế phát triển bền vững. Đó là lý do để chúng tôi chọn chủ đề cho diễn đàn này.

Vậy có thể định lượng một cách tương đối về sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản không, thưa ông?

Lâu nay các diễn đàn, hội thảo đã nói nhiều về bất ổn vĩ mô, về hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… có nguyên căn là cơ cấu nền kinh tế bất hợp lý trầm trọng. Thế nên cần chữa trị từ gốc, cần tái cơ cấu tức là cần bố trí sắp xếp lại để có cơ cấu hợp lý hơn, làm cho nền kinh tế hiệu quả và có sức cạnh tranh cao hơn.

Đó là mục tiêu, còn từ những chỉ số cụ thể của nền kinh tế thì cũng có thể định lượng được thế nào là chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản. Đi sâu vào từng lĩnh vực thì định lượng càng cụ thể hơn, ví dụ trong tái cơ cấu đầu tư công thì đó là tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội phải giảm dần, tỷ trọng của các khu vực khác ngày càng lớn hơn.

Hay khi nhìn vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, nếu số lượng và quy mô của khu vực này ngày càng lớn thì cũng có thể đánh giá được kết quả tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Nếu chỉ nhìn vào câu chữ thì tái cơ cấu nghe có vẻ khá mông lung. Nhưng có thể dẫn ra một ví dụ mà theo tôi là thú vị.

Đó là từ việc gần đây ngành giao thông rất nỗ lực hạn chế xe quá tải tàn phá đường bộ. Qua đó càng khẳng định tỷ trọng vận tải đường bộ đang rất lớn. Vì thế ngành giao thông đã chủ trương tái cơ cấu vận tải theo hướng tăng tỷ trọng vận tải đường thủy và đường sắt. Như thế là có thể định lượng được sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản, ở khu vực này.

Nếu cơ cấu vận tải thay đổi theo hướng đó thì ngành giao thông cũng sẽ không phải quá vất vả để “chiến đấu” với tình trạng xe quá tải như hiện nay.

Vâng, có lẽ với đa số người dân thì tái cơ cấu nền kinh tế sẽ chỉ được coi là mạnh mẽ và cơ bản khi đời sống mọi mặt thực sự tốt lên. Nhưng theo đánh giá từ chính các chuyên gia quen thuộc của diễn đàn thì cả kinh tế và xã hội đều không ít bất ổn, có mặt rất trầm trọng. Nếu nhìn vào chỉ tiêu thì GDP chắc chắn không thể đạt kế hoạch. Vậy theo cá nhân ông thì đến cuối 2015 liệu sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản có thể thành hiện thực hay lại vẫn chỉ là kỳ vọng?

Nếu nhìn vào kết quả từ khi khởi động đến nay thì tái cơ cấu nền kinh tế đúng là có sự chậm trễ so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, ngay từ khâu phê duyệt đề án tổng thể.

Tiếp đó việc triển khai ở mỗi cấp mỗi ngành mức độ rất khác nhau, thậm chí có những địa phương, đơn vị đến tận bây giờ vẫn chưa có đề án tái cơ cấu.

Tuy nhiên ở một số ngành, địa phương, đơn vị cũng có những chuyển biến nhất định trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, như các kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày trong diễn đàn tới đây.

Nhưng, kết quả ban đầu còn khá khiêm tốn. Thời gian còn lại 15 tháng cho đến khi kết thúc 2015 thì qua tham vấn, một số chuyên gia cho rằng khó có thể đạt được sự chuyển biển mạnh mẽ và cơ bản như kỳ vọng, nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn.

Cho đến bây giờ, nhận thức thế nào là tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa thống nhất, có địa phương, đơn vị vẫn chưa hiểu bản chất và yêu cầu của tái cơ cấu thì làm sao mà chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản được.

Vì thế, diễn đàn lần này bên cạnh đánh giá kết quả thực hiện trong 3 năm 2012-2014 sẽ tập trung phân tích nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc và tìm ra những giải pháp để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.

Trên nhiều diễn đàn và ở nghị trường, ông cùng nhiều thành viên của Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị thành lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế. Còn tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân năm nay cũng có chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần lập một ủy ban cải cách thể chế cấp Trung ương. Vậy nhưng đến giờ này đề nghị vẫn chỉ là đề nghị... Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả tái cơ cấu nền kinh tế còn rất xa kỳ vọng?

Không chỉ cá nhân tôi mà một số thành viên Ủy ban và nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Việt Nam nên thành lập một thiết chế mạnh để tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế.

Kinh nghiệm của một nước cũng cho thấy để thực thi những thay đổi về thể chế mang tính đột phá nhất thiết cần phải có thể thiết chế đặc biệt.

Nhưng, việc hình thành thiết chế này không có nghĩa là phủ nhận vai trò của các thiết chế hiện hữu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước. Mà lý do đơn giản là vì những cơ quan này không có đủ thẩm quyền và nguồn lực cho những đòi hỏi mới của tái cơ cấu nền kinh tế.

Tăng tranh luận, đối thoại

Để có thể bàn thảo toàn diện cả kết quả và hạn chế chắc chắn là ban tổ chức diễn đàn đã “đặt hàng” một số chuyên gia đánh giá về bức tranh toàn cảnh của tái cơ cấu nền kinh tế?

Chúng tôi đã đặt hàng và vẫn đang tiếp tục làm việc với các tác giả tham luận để đánh giá cho được kết quả tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được đến đâu, và dự báo được hết 2015 có đạt mục tiêu như nghị quyết của Quốc hội hay không.

Có sự đổi mới nào trong các gương mặt diễn giả mở đầu các phiên chính của diễn đàn không, thưa ông?

Có chứ, lần này trình bày về tổng quan kinh tế vĩ mô sẽ là một vị diễn giả mới, mà tôi nghĩ là khá thú vị! Còn phiên về tái cơ cấu nền kinh tế cũng sẽ được mở đầu bởi một chuyên gia được cho là khá góc cạnh.

Đổi mới nữa là khi diễn giả trình bày xong tham luận chính, thì sẽ trực tiếp đối thoại với các ý kiến khác xoay quanh chủ đề đó luôn. Phần trình bày sẽ ngắn hơn và tranh luận, phản biện sẽ nhiều hơn.

Chủ tọa diễn đàn cũng sẽ khuyến khích các gương mặt mới, trong đó có các chuyên gia trẻ đến từ phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất của cả nước.

Vẫn như mọi lần, diễn đàn trân trọng các quan điểm khác nhau, và đặc biệt chờ đợi cách tiếp cận mới cho vấn đề rất lớn của nền kinh tế: tái cơ cấu.

Nhiều chuyên gia luôn đánh giá cao chất lượng của diễn đàn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu có thêm sự tranh luận giữa chuyên gia với đại diện cơ quan làm chính sách thì sẽ hấp dẫn hơn. Hiện nay chủ yếu diễn đàn là nơi chuyên gia tranh luận với chuyên gia nên sức hấp dẫn cũng có thể sẽ giảm. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Mục đích chính của diễn đàn vẫn là lắng nghe các ý kiến độc lập từ chuyên gia và các nhà khoa học.

Tất nhiên ban tổ chức có mời lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và rất muốn có sự trao đổi giữa họ với các chuyên gia. Từ đó thông tin mới nhiều chiều, dù có thể có đánh giá khác nhau nhưng đó là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, nhận xét bạn nêu là hoàn toàn đúng. Tranh luận, phản biện giữa chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý chưa nhiều, một phần do giới hạn thời gian, phần khác do một số vị chuyên gia trình bày vẫn hơi dài.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng ngại thể hiện chính kiến, ngại tranh luận với chuyên gia, đó là điểm yếu.

Cũng có ý kiến phàn nàn là diễn đàn chỉ đưa thông tin một chiều thì chưa hẳn đã sâu sắc, nhưng điều đó một phần có lý do từ việc các cơ quan quản lý nhà nước đã không chủ động trong việc thông tin khi được mời dự các diễn đàn.