10:28 03/10/2017

Trình Chính phủ 11 vướng mắc cần sửa của Luật Đầu tư công

Nguyên Vũ

Quy định vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hằng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện được cho là mâu thuẫn lớn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đề xuất Chính phủ xem xét 11 nhóm vấn đề vướng mắc của Luật Đầu tư công 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đề xuất Chính phủ xem xét 11 nhóm vấn đề vướng mắc của Luật Đầu tư công 
Chúng tôi đã làm ngày  làm đêm, sáng 3/10 sẽ trình Chính phủ xem xét những vướng mắc cần sửa của Luật Đầu tư công - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại phiên giải trình do Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức chiều 2/10.

Trước thềm phiên giải trình này cũng đã có rất nhiều ý kiến phản ánh về một số bất cập của Luật Đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo công tác nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các vấn đề nổi cộm nhất, trên tinh thần đổi mới, cái gì tốt, hiệu quả thì giữ lại, cái gì chưa rõ thì hướng dẫn cho dễ hiểu, dễ làm và cụ thể hơn, cái gì thực sự vướng mắc, cản trở thì báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn.

Theo Bộ trưởng, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công chủ yếu tập trung vào 11 nhóm vấn đề chủ yếu. Nội dung sửa đổi liên quan đến phân loại dự án đầu tư, tiêu chí phân loại dự án nhóm A, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhóm vấn đề tiếp theo được đề xuất sửa đổi là thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý. thẩm quyền quyết định đầu tư dự án đầu tư công, việc điều chỉnh dự án, lập, thẩm định và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm. Điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân các cấp cũng nằm trong nhóm vấn đề được đề xuất sửa đổi.

Trong các nhóm vấn đề trên, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm cũng là nội dung được quan tâm tại phiên giải trình, như một trong những lý do dẫn đến tốc độ "rùa" của giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thì Hiến pháp quy định mọi khoản chi phải có dự toán nhưng Luật Đầu tư công lại quy định phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hằng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài, đây là sự mâu thuẫn lớn cần được xem xét.

Vẫn liên quan đến quy định tại điều 76, đại biểu Mai cũng phân tích quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau và một số trường hợp có thể được kéo dài đến tận 5 năm dẫn đến con số chuyển nguồn rất lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích, quy định trên được xây dựng trên cơ sở do tính chất đặc thù của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong một số trường hợp do nguyên nhân nhân khách quan như vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng không thể giải ngân được vẫn có thể kéo dài sang năm sau để tiếp tục giải ngân. Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra tâm lý các chủ đầu tư không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư. Vì vậy, Luật Đầu tư công bắt đầu triển khai từ năm 2015, nhưng năm 2016 và năm 2017 tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công chậm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, Chính phủ đã phải ban hành các nghị định nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Bộ cũng thừa nhận quy định “Phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hằng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài” tại điểm khoản 2 điều 76 cho phép giải ngân vốn nước ngoài theo tiến độ dự án chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước 2015 “thu, chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán và được luật định".

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đề xuất của Bộ là cần xem xét bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Luật Đầu tư công theo hướng “Thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau (trừ vốn kế hoạch bố trí cho các dự án đến ngày 31 tháng 12 năm kế hoạch giải ngân dưới 50% kế hoạch được giao đầu năm)”. Đồng thời, bãi bỏ quy định tại điểm b khoản 2 điều 76.

Nội dung đáng chú ý khác liên quan đến quy định điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành.Theo điều này thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công. Trong thực tế có nhiều dự án PPP có tổng mức đầu tư thuộc phân loại dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công nhưng phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong trường hợp này, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo Điều 17 Luật Đầu tư công là Thủ tướng Chính phủ và phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, không khuyến khích tham gia của các nhà đầu tư. Đồng thời có một số ý kiến đề nghị chấp thuận tiêu chí phân loại đối với dự án PPP căn cứ vào phần vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.

Nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư các dự án PPP, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý vì những dự án nhóm A ngoài quy mô vốn đầu tư lớn, còn có tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống dân cư tại nơi triển khai dự án, cần xem xét bổ sung khoản 6 Điều 23 Luật Đầu tư công theo hướng quy định riêng cho các dự án thực hiện theo hình thức PPP - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Mong muốn của Chính phủ là việc sửa đổi Luật Đầu tư công được hoàn thành ngay kỳ họp cuối năm nay, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng điều này không dễ dàng, vì luật mới có hiệu lực chưa đầy ba năm.