10:50 21/05/2016

Trước ngày bầu Quốc hội: Hai chữ “vì dân”

Nguyên Thảo

Lựa chọn 500 vị trong số 870 ứng viên khó có thể nói là việc dễ dàng đối với mỗi cử tri

Chỉ có 168 trong gần 500 vị đại biểu Quốc hội khoá 13 được giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.
Chỉ có 168 trong gần 500 vị đại biểu Quốc hội khoá 13 được giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.
Trước 7h sáng hôm nay (21/5), thời gian vận động bầu cử đã đóng lại với tất cả 870 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá 14.

Thẻ cử tri cũng đã phát đến từng nhà. Ngày mai (22/5), cử tri cả nước sẽ bầu Quốc hội nhiệm kỳ mới.

Theo luật, Quốc hội có tối đa 500 đại biểu. Nhưng không phải mỗi cử tri đều được bỏ phiếu để chọn cả bằng ấy vị, mà tuỳ theo mỗi đơn vị bầu cử, cử tri được lựa chọn từ 2 đến 3 đại biểu.

Họ - 870 ứng viên trong danh sách chính thức - bao gồm nhiều thành phần khác nhau, từ các vị lãnh đạo cấp cao trong “tứ trụ” cho đến người dân cày.

Họ, là toàn bộ các vị trong Bộ Chính trị, là 95/180 uỷ viên Trung ương, là 17 thành viên Chính phủ…, bên cạnh các ứng viên là doanh nhân, giáo viên, bác sỹ, công - nông - binh...

Họ, 197 ứng viên ở Trung ương đã được phân bổ về 184 đơn vị bầu cử để tranh cử cùng các ứng viên tại địa phương.

Tại mỗi đơn vị bầu cử danh sách các ứng viên được sắp xếp theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Việt, và đây cũng là thứ tự để các vị trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri.

Vì thế, tiến hành vận động bầu cử tại quận Ba Đình (Hà Nội), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị ban tổ chức thực hiện đúng quy định này, khi ông được mời trình bày chương trình hành động đầu tiên. Mà, trong danh sách ông đứng sau 4 người khác.

Đúng luật, đó là điều được Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định về các bước chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Nhưng, đôi khi đúng luật vẫn không khỏi gây ra những băn khoăn.

Nhìn vào sự sắp xếp các ứng cử viên, đặc biệt nhất có lẽ là đơn vị bầu cử số 2 của tỉnh Yên Bái. Tại đây, có đến 3 nữ nông dân tuổi 9X (trong đó có hai chị cùng một thôn) được giới thiệu tranh cử với một vị Ủy viên Bộ Chính trị và một vị tỉnh uỷ viên.

Đã trong danh sách chính thức để bầu thì ai cũng đều đủ tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội. Việc vận động bầu cử, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là được tiến hành công bằng, không phân biệt chức quyền.

Như vậy, về mặt lý thuyết thì ở đơn vị bầu cử nói trên, 3 chị nông dân cùng trúng cử là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đồng nghĩa với việc trong số 500 đại biểu Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước - có thể có tới 3 nông dân ở cùng một huyện.

Sự sắp xếp quá “đặc biệt” này đã được phóng viên VnEconomy đề nghị Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ông Trần Văn Tuý bình luận tại cuộc họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị bầu cử, chiều 20/5 vừa qua.

Ông Tuý nói, danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội được lập theo quy trình rất chặt chẽ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Nhưng cũng cần hiểu là Quốc hội mang tính đại diện, phải tính đến cơ cấu thành phần, nên không thể đòi hỏi các ứng viên đều có trình độ ngang nhau, tuy nhiên bầu ai là do sự tín nhiệm và là quyền của cử tri.

Dường như vẫn có chút băn khoăn nên ngay sau khi kết thúc cuộc họp báo, ông Tuý chủ động nói, “có thể câu trả lời chưa làm bạn thoả mãn, nhưng việc này là địa phương sắp xếp”.

Lựa chọn 500 vị trong số 870 ứng viên khó có thể nói là việc dễ dàng đối với mỗi cử tri, khi cầm lá phiếu vào ngày mai.

Tất nhiên, không ít nội dung từ chương trình hành động của các ứng viên đã được công khai rộng rãi trên báo chí, cả Trung ương và địa phương.

Cũng tất nhiên là không chương trình hành động nào giống hệt nhau, và gửi gắm của cử tri ở từng nơi họ tiếp xúc cũng không giống nhau.

Nhưng, dù khác nhau về tuổi tác, địa vị, chức vụ… trọng trách những người trúng cử Quốc hội nhiệm kỳ mới được trao vẫn giống hệt như nhau, đó là làm người đại diện cho nhân dân ở cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội khoá 13, ông Nguyễn Sinh Hùng, trước khi rời cương vị từng chia sẻ với báo chí: “Mình nghĩ đến cái gì gắn bó với dân, mình nói ra điều mình nghĩ đó, thì tự nhiên được mọi người thấy đúng. Còn mình nghĩ đến cái gì gắn với cá nhân mình, thì nói ra thành dở hơi”.

Bởi thế, hai chữ “vì dân” là điều cử tri luôn mong đợi sẽ gắn bó chặt chẽ với các đại biểu Quốc hội suốt chặng đường 5 năm phía trước, cả trong lời nói và hành động.