22:02 14/03/2016

Túi tiền quốc gia và nhiệm kỳ Quốc hội

Nguyên Thảo

Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội vừa hoàn thành ngày 7/3

Những phiên thảo luận về việc kiếm tiền và tiêu tiền tại Quốc hội chưa bao giờ êm ả
Những phiên thảo luận về việc kiếm tiền và tiêu tiền tại Quốc hội chưa bao giờ êm ả
Một khi Quốc hội chủ động quyết định ngân sách, theo quan điểm của Quốc hội, thì khi đó Quốc hội đã thực sự quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đây là quan điểm đã được Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhiều lần nhấn mạnh tại nghị trường - nơi ông đã có ba nhiệm kỳ làm người đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội vừa hoàn thành ngày 7/3, phần thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nêu rõ: trong điều kiện kinh tế khó khăn, Quốc hội đã có nhiều quyết sách đồng bộ để ứng phó kịp thời, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt.

Quốc hội cũng quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả, quyết liệt bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhận định này sát thực đến đâu sẽ có câu trả lời tại phiên thảo luận của Quốc hội về bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ ở kỳ họp cuối cùng, sẽ khai mạc vào sáng 21/3 tới đây.

Nhưng, nhìn lại 5 năm qua và xem xét kế hoạch tài chính 5 năm tới, mức độ cảnh báo từ ủy ban chuyên trách của Quốc hội dường như đã tăng hơn. Và, sự lo lắng từ cơ quan lập kế hoạch cũng đã ở cấp độ mới.

Liên tục tại tất cả các kỳ họp trong nhiệm kỳ, bất cứ khi nào đại biểu bày tỏ lo ngại hay chất vấn về nợ công, Chính phủ đều khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn.

Nhưng tại kế hoạch tài chính 2016 - 2020 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3 vừa qua, Chính phủ cũng đã lường đến tình huống nợ công sẽ vượt trần nếu tính toán về GDP, bội chi không thực hiện được đúng kế hoạch hay trong trường hợp phát sinh rủi ro về giá dầu, tỷ giá….

Cơ quan thẩm tra kế hoạch này - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng không thể không lo ngại trước tốc độ tăng bình quân đến 20%/năm trong thời gian qua của nợ công. Nhất là, nợ Chính phủ đã lên 50,3% GDP, đã vượt mức trần cho phép, nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách Nhà nước thì còn có thể cao hơn.

Ủy ban này cũng cảnh báo, an ninh tài chính quốc gia bị đe doạ khi nợ công sắp đến mức trần cho phép.

Đánh giá tổng thể cả nhiệm kỳ, những cố tật của nền tài chính quốc gia được Ủy ban Tài chính - Ngân sách được điểm lại gần như vẫn đủ mặt, so với khi tổng kết nhiệm kỳ trước.

Đó là, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có những thời điểm phối hợp chưa đồng bộ. Cơ cấu thu, chi ngân sách và nợ công còn có một số điểm bất hợp lý. Kỷ luật, kỷ cương tài khóa và các nguyên tắc cân đối, quản lý tài chính ngân sách chưa được chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật....

Những “tật” mới thậm chí còn đáng ngại hơn. Như tình trạng trốn thuế, chuyển giá ngày càng tinh vi, nợ đọng thuế lớn và có xu hướng không giảm. Bội chi ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước, không đạt mục tiêu đề ra.

Nợ công ngày càng nhanh tiệm cận đến mức trần cho phép. Ngân sách nhà nước còn nợ nhiều khoản chi, nhất là nợ chi cho chính sách an sinh xã hội. Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư phát triển giảm mạnh...

Chính vì thế, những con số còn chứa đựng nhiều bất định tại bản kế hoạch tài chính 5 năm tới khiến cơ quan thẩm tra chưa yên tâm nếu trình ra Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi đó cũng đã không giấu được sự căng thẳng khi trần tình rằng điều hành ngân sách như đang "đi trên dây". Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh tình thế này vẫn tiếp tục trong năm 2016, đặc biệt là với những diễn biến của giá dầu.

“Chết” là từ được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính - sử dụng cho giả thiết rằng nếu nợ công 5 năm tới vẫn tăng với tốc độ chóng mặt như 5 năm vừa qua.

Vậy nên, cá nhân ông cũng chẳng thể yên tâm để Chính phủ trình kế hoạch tài chính 5 năm tới ngay tại phiên họp thứ 11 của Quốc hội đương nhiệm. Dù, Quốc hội đã dự kiến sẽ quyết định kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch đầu tư công cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 vẫn sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.

Còn việc quyết định kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 2 vừa qua là sẽ được dành cho Quốc hội khóa mới.

Như thế, xem ra nhiệm vụ giám sát việc tiêu tiền để làm sao nợ công không tăng đến mức “chết” và điều hành ngân sách không để bị "đứt dây" của Quốc hội khoá 14 là nặng nề.

Trong khi, chiếm đa số trong số 500 vị (nếu bầu đủ) của Quốc hội khoá tới là đại biểu mới. Và, giám sát việc tiêu tiền luôn là việc chẳng dễ một chút nào, với cả các vị đã dày dạn kinh nghiệm nghị trường.