11:06 07/07/2017

Tuyến đường sắt cao tốc 3,6 tỷ USD nối Tp.HCM với Cần Thơ

Xuân Nghi

Tuyến đường sắt nối Tp.HCM với Cần Thơ đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp được xây dựng theo hình thức BOT

Thời gian từ Tp.HCM - Cần Thơ sẽ được rút ngắn chỉ còn 45 phút (Ảnh minh họa).<br>
Thời gian từ Tp.HCM - Cần Thơ sẽ được rút ngắn chỉ còn 45 phút (Ảnh minh họa).<br>
Nhận định tuyến đường sắt nối Tp.HCM với Cần Thơ đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp là cần thiết cho sự phát triển của địa phương và cả khu vực, Tp.HCM đang khẩn trương làm việc với các địa phương liên quan, đại dự án 3,6 tỷ USD này sẽ thành hiện thực.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong vừa giao Sở Giao thông Vận tải thành phố phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan để thống nhất quy hoạch tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ, trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Sau gần 10 năm nghiên cứu

Văn phòng UBND Tp.HCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khi chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ về tuyến đường sắt nói trên.

Tại buổi làm việc, Viện Khoa học công nghệ Phương Nam và Tập đoàn tài chính Canada MorFund – hai đối tác của dự án - đã báo cáo đề xuất về tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ. Lãnh đạo các tỉnh, thành hoàn toàn đồng thuận về sự cần thiết đầu tư tuyến đường sắt này cho sự phát triển kinh tế các địa phương.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chủ trì, thống nhất phương thức hợp tác đầu tư cho tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ. Đồng thời đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự tính, thời gian từ Tp.HCM - Cần Thơ sẽ chỉ mất 45 phút, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách.

Trước đó vào tháng 11/2013, sau 6 năm nghiên cứu, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận Tải, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và đại diện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cùng Tập đoàn EDES của Hoa Kỳ đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư hệ thống đường sắt này.

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, đầu tư hệ thống đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ là phù hợp với quy hoạch đến năm 2020.

 Hơn nữa, kinh nghiệm của các nước như Hoa Kỳ, Canada cho thấy, đường sắt phù hợp với đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh. Mặt khác, việc xây dựng đường sắt nối Tp.HCM đi Cần Thơ sẽ tác động đến sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

134 km đầu tư 3,6 tỷ USD

Theo dự án Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam (VITRANSS 2), do đơn vị tư vấn quốc tế là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, đến năm 2030 khối lượng vận tải hành khách trên hành lang Tp.HCM - Cần Thơ sẽ tăng gấp 4,5 lần so với năm 2008; khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng gấp ba lần.

Dự án của JICA cho rằng, lời giải cho bài toán về hạn chế năng lực cho tuyến hành lang này là cân bằng các phương thức vận tải, bởi không thể mở rộng đường bộ mãi được.

Mặt khác, để giảm tải cho đường bộ, nhất là trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa cần tốc độ cao (hàng hóa tươi sống từ vùng lúa gạo chiến lược Đồng bằng sông Cửu Long) cần có sự tham gia của phương thức vận tải đường sắt trên hành lang này.

Toàn tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ dài 134 km với 10 ga, khổ ray 1.435 mm, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD, được xây dựng theo hình thức BOT.

Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành được bắt đầu từ ga Tân Kiên (Bình Chánh, Tp.HCM), đi song song với tuyến Vành đai 2. Đến nút giao Chợ Đệm, cặp theo đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương về Bến Lức (tỉnh Long An), Trung Lương, Cai Lậy, Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang). Sau đó vượt sông Tiền ở hạ lưu cầu Mỹ Thuận, qua ngoại vi Tp. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Tiếp tục đi theo đường cao tốc đến phà Cần Thơ, tuyến đường sắt vượt sông Hậu ở hạ lưu cầu Cần Thơ để nối vào Tp.Cần Thơ tại cảng Cái Răng.

Ngược dòng lịch sử, từ cuối thế kỷ XIX, vùng đất này từng có tuyến đường sắt đầu tiên của cả nước và Đông Dương. Tháng 7/1885, chuyến tàu lửa máy hơi nước đầu tiên Sài Gòn – Mỹ Tho chính thức lăn bánh sau 4 năm xây dựng (1881), đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam và Đông Dương.

Tuyến đường sắt này có tất cả 15 ga, chiều dài hơn 70 km, bắt đầu từ ga Sài Gòn cũ (công viên 23-9) và điểm cuối là công viên bờ sông Mỹ Tho, cạnh tượng đài Thủ Khoa Huân ngày nay. Sau 73 năm tồn tại, đến năm 1958, tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho chính thức bị ngừng hoạt động vì không theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông như xe ô tô, xe khách...