17:02 14/09/2010

Tỷ trọng ngân sách đầu tư cho kinh tế đang có xu thế giảm

Nguyên Bình

Từ 2007 đến 2010, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho kinh tế so với tổng chi đầu tư phát triển giảm dần qua từng năm

Trái với kinh tế, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực xã hội đã tăng từ 43,4% năm 2007 lên 49,1% năm 2010. Trong đó, giáo dục và đào tạo tăng từ 12,2% lên 17,4%.
Trái với kinh tế, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực xã hội đã tăng từ 43,4% năm 2007 lên 49,1% năm 2010. Trong đó, giáo dục và đào tạo tăng từ 12,2% lên 17,4%.
Tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực kinh tế so với tổng chi đầu tư phát triển có xu thế giảm dần, Chính phủ nhận định tại báo cáo mới nhất về tình hình phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2007 - 2010.

Cụ thể, từ mức 51,7% năm 2007, mức chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực kinh tế so với tổng chi đầu tư phát triển trong năm 2010 đã giảm xuống 46,3%.

Tuy nhiên, riêng các ngành giao thông, nông, lâm ngư nghiệp vẫn được ưu tiên đầu tư từ ngân sách để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém. Từ mức 18% năm 2007, đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp và thủy lợi đã tăng lên, chiếm 20,5% trong tổng chi đầu tư phát triển năm 2010. Tỷ trọng đầu tư cho giao thông vận tải cũng tăng từ 21% lên 22,6%.

Trái với kinh tế, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực xã hội đã tăng từ 43,4% năm 2007 lên 49,1% năm 2010. Trong đó, giáo dục và đào tạo tăng từ 12,2% lên 17,4%.

Cũng trong giai đoạn 2007 - 2010, theo phân cấp, tỷ trọng đầu tư do địa phương quản lý đã tăng từ 60,8% lên 69,8%. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý được hình thành từ nguồn đầu tư trong cân đối của các địa phương và các khoản hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương.

Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù nguồn vốn đầu tư trong cân đối của các địa phương đã tăng trên 14% trong cả thời kỳ, song tốc độ tăng vốn đầu tư không đồng đều. Nếu tính cả số đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, tỷ trọng đầu tư theo cân đối của các tỉnh có nguồn thu thấp theo xu hướng giảm dần.

Các tỉnh miền núi phía Bắc có tỷ trọng đầu tư trong cân đối so với tổng đầu tư trong cân đối cả nước giảm từ 7,5% năm 2007 xuống 6,2% năm 2010; Tây Nguyên từ 3,7% xuống 3,2%...

Đối với các bộ ngành, cơ quan trung ương, vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước đã giảm dần, lần lượt các năm từ 2007 - 2010 là 34.919,4 tỷ đồng, 29.830,6 tỷ đồng, xuống 25.530,2 tỷ đồng và 29.277,7 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này, tính trung bình cả giai đoạn chiếm 18,5% tổng chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách Nhà nước.

Mặc dù đánh giá việc phân bổ vốn giữa các ngành, địa phương đã “bảo đảm sự công khai, minh bạch, công bằng”, song Chính phủ cũng nhìn nhận không ít hạn chế. Đó là việc phân bổ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu chưa được lượng hóa và còn mang tính chủ quan, mức tăng vốn đầu tư trong cân đối giữa các tỉnh, thành trong vùng không đồng đều...

Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho các dự án không trong quy hoạch được duyệt, chưa đủ thủ tục đầu tư.

Trong 5 năm tới, Chính phủ xác định các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển phải phù hợp với quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 -2015 đạt 7,5 - 8%/năm. Tổng đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 41 - 42% GDP.

Cơ cấu chi đầu tư phát triển,, chi thường xuyên và chi trả nợ được cân đối ở mức hợp lý. Trong đó, chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (không bao gồm đầu tư từ trái phiếu Chính phủ) chiếm khoảng 25 -27% tổng chi ngân sách Nhà nước, bằng 19 -20% tổng mức đầu tư toàn xã hội.