09:42 31/05/2012

Vi phạm hành chính có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng

Bảo Anh

Thay vì mức tối đa 500 triệu đồng hiện tại, tổ chức vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt đến 2 tỷ đồng, cá nhân là 1 tỷ đồng

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, do mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp (từ 10.000 đồng) không đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm hành chính diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, xây dựng.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, do mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp (từ 10.000 đồng) không đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm hành chính diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, xây dựng.
Thay vì mức tối đa 500 triệu đồng hiện tại, tổ chức vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt đến 2 tỷ đồng, cá nhân là 1 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 30/5, đề xuất trên đã được đa số đại biểu Quốc hội  tán thành.

Theo quy định của dự luật, mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội là 70 triệu đồng; giao thông đường bộ là 70 triệu đồng; quản lý rừng, lâm sản là 2 tỷ đồng.

Thảo luận về mức xử phạt trên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, do mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp (từ 10.000 đồng) không đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm hành chính diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, xây dựng. Do đó, hầu hết đại biểu đều thống nhất, tuy không phải là giải pháp tốt nhất hiện nay nhưng tăng mức phạt tối đa sẽ có tính răn đe, phòng ngừa rất lớn.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là quá cao. Theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), dự luật cần cân nhắc quy định này vì mức phạt cao dễ dẫn đến tiêu cực, chạy chọt để xin giảm phạt và không phù hợp với bình quân thu nhập chung của người dân.

Liên quan đến việc xử  phạt tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, dự luật quy định, việc vi phạm ở các lĩnh vực giao thông, môi trường và xây dựng sẽ bị xử phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt chung đối với cùng một hành vi.

Hầu hết các đại biểu phát biểu tại hội trường đều đồng tình với quy định này vì cho rằng nếu xảy ra các vi phạm ở khu vực nội thành thì hậu quả sẽ lớn hơn so với các khu vực khác.

Các đại biểu cũng tán thành với dự luật khi giao hội đồng nhân dân các thành phố quy định mức tăng phạt cao hơn, nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương.

Dự kiến, Luật Xử phạt vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.