Vì sao Chính phủ muốn sửa Luật Đầu tư công?
Mới có hiệu lực chưa đầy ba năm, nhưng Luật Đầu tư công lại đang được đề nghị sửa đổi, bổ sung
Mới có hiệu lực chưa đến ba năm, nhưng Luật Đầu tư công lại đang được đề nghị sửa đổi, bổ sung.
Chiều 2/10, Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Báo cáo về nội dung này từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy việc sửa luật đang được gấp rút tiến hành, nhưng những bất cập trong đầu tư công hiện nay có lẽ không chỉ nằm ở luật.
Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Việc ban hành luật này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trong đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Việc ban hành Luật Đầu tư công cũng tạo ra công cụ quan trọng để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí. Đồng thời, cũng là căn cứ pháp lý để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công - báo cáo của Bộ nêu rõ.
Bộ cũng khẳng định, triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành đã ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Nhưng, khó khăn vướng mắc được nêu tại báo cáo cũng không ít.
Đáng chú ý, để thi hành luật cần 7 nghị định hướng dẫn. Việc này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kéo dài gần hai năm, bắt đầu từ ngày 14/2/2015 (sau 6 tháng Luật Đầu tư công được thông qua) cho đến ngày 2/12/2016 mới hoàn thành việc ban hành.
Điều đó đã ảnh hưởng nhất định đến việc phổ biến, tập huấn và áp dụng thống nhất các quy định liên quan đến đầu tư công trong cả nước trước khi bước vào chu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2016 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Ngoài ra, báo cáo còn nêu tình trạng việc tổ chức hỏi đáp và hướng dẫn thực hiện các quy định của luật và nghị định cũng gặp một số khó khăn, trở ngại do phải trao đổi bằng văn bản, mất khá nhiều thời gian. Các văn bản trả lời câu hỏi hoặc hướng dẫn chỉ đến với một đầu mối có câu hỏi mà không triển khai chia sẻ rộng rãi cho các đối tượng có liên quan, có cùng vấn đề thắc mắc.
Trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương đã có cách hiểu khác và chủ động tổ chức triển khai nên đã dẫn tới một số vấn đề không thống nhất giữa cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) với cơ quan thực hiện trong quá trình rà soát kế hoạch và dự án.
Vấn đề này đã tạo ra một quy trình hành chính, mất nhiều thời gian để thống nhất thực hiện cho đúng quy định của pháp luật - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.
Như vậy, sau ba năm được ban hành, một bộ luật được cho là đổi mới, vẫn chưa được thực hiện một cách nề nếp.
Nhưng, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong một kỳ họp - kỳ họp thứ tư (tháng 10/2017).
Lý do là thực tế đã phát sinh vấn đề liên quan đến công tác quản lý đầu tư công, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án, công tác lập, giao, thực hiện kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư công... Một số vấn đề được dư luận quan tâm và các Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ trong Kỳ họp thứ 3, trong đó nổi lên vấn đề về trình tự, thủ tục, vấn đề giao kế hoạch vốn, vấn đề giải ngân...
Nhưng, nếu nhìn vào nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc thì thấy không ít vấn đề nằm ở khâu thực thi.
Chẳng hạn, một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa nắm vững và nhận thức đầy đủ các quy định của luật và các nghị định hướng dẫn thi hành, nên trong việc triển khai thực hiện ở nhiều đơn vị vẫn còn lúng túng, triển khai thực hiện một số quy định còn chưa phù hợp, đề xuất và triển khai thực hiện một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền,...
Hay, một số cơ nơi chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án thực hiện chưa sát sao, chưa đầy đủ.
Vẫn thuộc về nguyên nhân chủ quan là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi kế hoạch vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Dẫn đến, sau khi bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Như vậy, nhìn vào những nguyên nhân này có thể thấy, việc tổ chức thực thi nghiêm túc luật hiện hành có lẽ cũng gấp gáp không kém đề xuất sửa một bộ luật mới ban hành chưa đầy ba năm.