10:44 02/04/2015

“Việt Nam trở thành công xưởng mới của châu Á”

DIỆU MINH

Với vị trí chiến lược, dân số trẻ, Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Siemens, Canon

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng từ các khách hàng trong nước cũng như nước ngoài.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng từ các khách hàng trong nước cũng như nước ngoài.
Hoạt động sản xuất tại Việt Nam liên tục tăng trưởng một cách ổn định nhờ dân số trẻ và giá nhân công rẻ hơn phần lớn nước láng giềng.

Danh sách những quốc gia châu Á có hoạt động sản xuất sôi động hiện không chỉ gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, mà còn một thành viên mới, là Việt Nam, theo hãng tin Bloomberg.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam liên tục tăng và đạt trên 50 điểm kể từ tháng 8 năm 2013 đến nay, Bloomberg dẫn số liệu của HSBC và Markit Economics cho hay. Đây là mức điểm cao nhất trong số tất cả quốc gia châu Á mà HSBC và Markit Economics theo dõi.

Trong cùng thời điểm, chỉ số PMI của Trung Quốc giảm trong tám tháng. Hoạt động sản xuất của Thái Lan giảm trong 22 tháng tính đến tháng 1 năm nay.    

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng từ các khách hàng trong nước cũng như nước ngoài, và việc giá thương phẩm trên thị trường thế giới giảm tiếp tục làm giảm chi phí đầu vào, nhà kinh tế Andrew Harker tại Markit cho biết.

Năm ngoái, Việt Nam trở thành nước ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ. Với vị trí chiến lược, dân số trẻ hơn và chi phí thấp hơn Trung Quốc, Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel và Siemens, bên cạnh các ngành gia dệt may và giày dép.

Lợi thế của Việt Nam là giá nhân công thấp. Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế, giá nhân công năm 2013 ở Việt Nam chỉ ở mức 197 USD/tháng, so với mức 391 USD ở Thái Lan và 613 USD tại Trung Quốc.

Dân số Việt Nam cũng trẻ hơn: hiện chỉ khoảng 6% dân số trên 65 tuổi, trong khi ở Trung Quốc và Thái Lan là 10% và Hàn Quốc là 13%.  

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại Việt Nam hiện mới dừng lại ở những khâu có giá trị thấp, tập trung ở các lĩnh vực dệt may, đồ nội thất và điện tử. Điều này có thể thay đổi nếu các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).