09:00 15/10/2010

Xác định 3 khâu đột phá để cơ cấu lại nền kinh tế

Nguyên Vũ

Ban chấp hành Trung ương đã xác định định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế với 12 nội dung lớn với 3 khâu đột phá

Toàn cảnh phiên bế mạc - Ảnh: Đinh Xuân Tuân (TTXVN)
Toàn cảnh phiên bế mạc - Ảnh: Đinh Xuân Tuân (TTXVN)
Nhiều nội dung quan trọng, trong đó có một số nhiệm vụ định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế với 12 nội dung lớn và 3 khâu đột phá đã được nhấn mạnh tại thông báo của hội nghị lần thứ 13, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 14/10.

Như đã đưa tin, từ ngày 7 -14/10, tại Thủ đô Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã họp hội nghị lần thứ 13 để xem xét: tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015; tổng kết việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường và kiến nghị chủ trương tiếp theo; thảo luận bước đầu về phương án nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội XI, cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất đánh giá: năm 2010, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội Đại hội X đã đề ra. Nền kinh tế phục hồi nhanh. Tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn, mức tăng GDP cả năm ước đạt 6,7%. Nông nghiệp phát triển ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo.

Cũng theo nhận định của Ban chấp hành Trung ương, các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định. Nợ chính phủ, nợ quốc gia nằm trong giới hạn an toàn. Lạm phát được khống chế ở mức khoảng 7 - 8%. Xuất khẩu tăng cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm, giảm bớt thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. An sinh xã hội tiếp tục được chăm lo tốt hơn. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những yếu kém được nhìn nhận là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; phát triển công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hạ tầng đô thị yếu kém; cung ứng điện chưa đảm bảo, các giải pháp để giảm nhập siêu, khuyến khích dùng hàng trong nước kết quả còn hạn chế; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; chi tiêu ngân sách còn lãng phí; ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, bội chi còn cao, cán cân tổng thể thâm thụt; lãi suất cho vay cao, vốn cho sản xuất kinh doanh còn căng thẳng; chất lượng giáo dục chuyển biến chậm, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều hạn chế; giảm nghèo chưa bền vững.

Bên cạnh đó tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn nhiều; chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng gây phiền hà trong bộ máy hành chính, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Ban Chấp hành Trung ương xác định bên cạnh nguyên nhân khách quan thì khuyết điểm chủ quan trong quản lý ở các cấp, các ngành là nguyên nhân trực tiếp.

Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xác định mục tiêu và những chỉ tiêu cơ bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, gắn với chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản được xác định: GDP tăng 7 - 7,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; giảm tỉ lệ nhập siêu xuống dưới 20% kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40% GDP; chỉ số tăng giá tiêu dùng khoảng 7%; giảm tỉ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; bội chi ngân sách nhà nước bằng 5,5% GDP...

Ban chấp hành Trung ương đã đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2011. Thứ nhất là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hai là thực hiện các biện pháp chính sách tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải pháp thứ ba là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ tư là tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu. Tiếp đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và giải pháp thứ sáu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.

Trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung thêm vào các báo cáo, Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong kỳ họp tới.

Tại hội nghị, Ban chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2006 - 2010 và thống nhất nhận định: trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nước ta đã tranh thủ được thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; tiềm lực và quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng lên; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm ước đạt 7%; GDP theo giá thực tế tính theo đầu người năm 2010 dự kiến đạt 1.160 USD, vượt kế hoạch đề ra.

 Cán cân kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiềm chế; an ninh tài chính quốc gia được bảo đảm; tỉ lệ huy động ngân sách nhà nước bình quân 5 năm 28% GDP, bảo đảm nhu cầu chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực một cách chủ động; nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn; huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, có kết quả bước đầu. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín quốc tế của đất nước tiếp tục được nâng cao.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kinh tế phát triển chưa bền vững; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; sử dụng vốn chưa thật sự hiệu quả; bội chi ngân sách còn lớn; nhập siêu cao; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa tốt. Môi trường đang bị ô nhiễm. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước thấp; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn thiếu đồng bộ; lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế còn nhiều bất cập, một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết. Vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Những hạn chế, yếu kém trên, Ban chấp hành Trung ương đánh giá có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy phát triển kinh tế - xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới. Hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Những nội dung được Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015 gồm: quan điểm phát triển; mục tiêu và những khâu đột phá; nhiệm vụ định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế; tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm.

Ban chấp hành Trung ương xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm là: đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính trị, xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ và kỷ cương. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 7,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.000 USD, tăng 1,7 lần năm 2010; năng suất lao động năm 2015 gấp 2 lần năm 2010. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, kiểm soát nhập siêu đến năm 2015 còn dưới 15% kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 40% GDP. Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bình quân 5 năm ở mức dưới 5% GDP, phấn đấu đến năm 2015 còn 4,5%. Giữ mức nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55% tổng lao động xã hội; tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, tỉ lệ che phủ rừng vào năm 2015 đạt 42%. Đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới...

Ban chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế với 12 nội dung lớn, trong đó xác định 3 khâu đột phá là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Thảo luận báo cáo "Tổng kết bước một và xin chủ trương mở rộng thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường", Ban chấp hành Trung ương thấy rằng thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cần được tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp; thời gian thí điểm ngắn, chưa đánh giá hết được những ưu điểm, khuyết điểm, những vấn đề phát sinh. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố theo Nghị quyết 26/2008/QH12, ngày 15/11/2008 của Quốc hội khoá XII trong thời gian tới.

Cũng tại hội nghị, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận và quyết định một bước quan trọng về phương án nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XI để trình Đại hội XI của Đảng. Hội nghị đã dành nhiều thời gian phân tích kỹ về yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng, độ tuổi, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương khoá mới. Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến của Trung ương chỉ đạo tiếp tục chuẩn bị phương án nhân sự để trình Hội nghị Trung ương 14.

Một nội dung nữa tại hội nghị là Ban chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình bằng hình thức cảnh cáo, để đồng chí Đinh Văn Hùng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, nghỉ công tác để nghỉ hưu, do có các khuyết điểm, vi phạm liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phương thức lãnh đạo của Đảng, quy chế làm việc của Tỉnh uỷ, Quy định số 51-QĐ/TW của Ban Bí thư; vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, cấp uỷ viên và phẩm chất, đạo đức, lối sống.