09:56 25/01/2012

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Ba vấn đề cần làm ngay

GS. Đào Nguyên Cát

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên có quan hệ đến niềm tin của nhân dân, đến sự sống còn của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên có quan hệ đến niềm tin của nhân dân, đến sự sống còn của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thưa Tổng bí thư, hội nghị lần thứ tư của Trung ương kết thúc vào ngày 31/12/2011 đã dành phần quan trọng cho công tác xây dựng Đảng. Xin đồng chí cho biết thêm tinh thần của hội nghị về phần này?

Hội nghị Trung ương lần này bàn nhiều vấn đề, trong đó có hai vấn đề rất quan trọng.

Một là, đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011 - 2020. Đề án này là cụ thể hoá một chủ trương mang tính đột phá chiến lược trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã được đề cập trong văn kiện Đại hội XI, đồng thời gắn với việc đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội để có sự chỉ đạo kịp thời.

Hai là, đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, bao gồm nhiều nội dung lớn, cả  chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đại hội XI đã đề ra 8 nhiệm vụ cơ bản, có tính hệ thống, toàn diện về xây dựng Đảng, phải thực hiện liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động.

Trong kỳ họp này, Trung ương chỉ tập trung bàn và quyết định ba vấn đề cấp bách cần làm ngay, với mong muốn tạo được những kết quả cụ thể, rõ rệt để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là:

- Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

- Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị.

Ba vấn đề trên có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng phải chăng vấn  đề quan trọng nhất lúc này là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên?

Đúng là như thế. Việc nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên chẳng những góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mà còn là vấn đề quan hệ đến niềm tin của nhân dân, đến sự sống còn của Đảng.

Hơn 80 năm qua, dưới sự  lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn như giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa sự nghiệp  đổi mới đất nước thành công, vượt qua bao khó khăn, thách thức do bị bao vây, cấm vận, hội nhập quốc tế để đất nước và dân tộc ta có được cơ đồ như ngày nay.

Đó chính là nhờ Đảng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng; có lý luận tiên phong, đường lối chính trị đúng đắn; có sự phấn đấu không mệt mỏi, hi sinh quên mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên; có tổ chức chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao và được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, bảo vệ, giúp đỡ.

Hiện nay, Đảng ta đang gánh vác một sự nghiệp lớn tiếp theo của đất nước là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, vừa xây dựng, vừa bảo vệ đất nước. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp.

Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm.

Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách xuyên tạc, vu cáo  Đảng ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong hết sức thâm độc, nguy hiểm.

Trong tình hình ấy, nếu  Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống, không chặt chẽ về tổ chức thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Vì vậy, Trung ương đã quyết định phải tiếp tục củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn nhằm mục đích tạo ra bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Biện pháp là phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào những công việc cần thiết, cấp bách và có thể làm ngay trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật, dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và phát huy trách nhiệm của bản thân cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được uy tín và sức mạnh thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, tự đổi mới, chỉnh đốn; không ai có thể làm thay được. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này để tự giác làm.

Từng cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở cùng làm. ở đây sự gương mẫu của cấp trên là cực kỳ quan trọng. Trước hết, từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, từng ủy viên Trung ương phải gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành tự kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất, lối sống của toàn Đảng.

Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Thực hiện những điều đảng viên không được làm, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

Tuy nhiên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp vì nó liên quan đến xây dựng con người, là  công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức, đòi hỏi toàn Đảng phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì, với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.

Thưa đồng chí, vũ khí tự phê bình và phê bình có đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp?

Như tôi vừa nói, muốn đẩy lùi được tình trạng suy thoái, tiêu cực trong Đảng thì phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, cả về giáo dục, rèn luyện, quản lý; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, cơ chế, luật pháp của Nhà nước; sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và phát huy tính tự giác, trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình chỉ là một trong các biện pháp đó, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là quy luật phát triển của Đảng.

Hồ Chủ tịch đã dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí. Cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng”. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng; một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ nguyên nhân vì đâu mà có khuyết điểm đó, chỉ rõ hoàn cảnh xảy ra khuyết điểm, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính”.

Tự phê bình và phê bình có hai vế. Một là phải nghiêm túc tự phê bình. Việc làm này đối với người cách mạng là hoàn toàn tự giác. Đối với người không thực tâm vì cách mạng, vì nước, vì  dân, thì chỉ tự phê bình lấy lệ, chỉ  tự phê bình những điều gì mọi người đã biết rõ, còn những điều chưa phát hiện thì tránh né.

Còn vế thứ hai là: nghiêm túc phê bình. Một cán bộ sau khi tự phê bình thì tập thể cần góp ý kiến, phê bình thẳng thắn và xây dựng. Người tự phê bình có thể trình bày, giải thích, nhưng quan trọng nhất là có tiếp thu những ý kiến phê bình của tập thể một cách chân tình, cầu thị hay không. Nếu sự việc đã rõ mà người được phê bình không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng bằng các hình thức thích hợp.

Tính sắc bén của vũ khí tự phê bình và phê bình là ở chỗ đó. Người đảng viên cộng sản từ phẩm chất và năng lực của mình được tổ chức phân công vào những trách nhiệm, cương vị công tác nhất định. Khi đã bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên thì kèm với kỷ luật đó tổ chức sẽ rút trách nhiệm hoặc cương vị công tác được phân công. Có như thế mới làm trong sạch được tổ chức đảng và bộ máy nhà nước.

Vừa qua, ở không ít tổ chức đảng, việc phê bình và tự phê bình chưa nghiêm, kết quả còn hạn chế là do chỉ đạo không tốt, do ý thức tự giác của một số cán bộ, đảng viên không cao.

Tuy nhiên, tự phê  bình và phê bình nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung, là công việc rất khó khăn, phức tạp, không thể nóng vội, làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất bền bỉ, làm thường xuyên bằng nhiều biện pháp. Nếu không xác định như vậy thì dễ nóng vội hoặc nảy sinh tư tưởng chủ quan. Để phê bình và tự phê bình có kết quả tốt, cần chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp phê bình và tự phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau, cũng như lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý các trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác.

Làm được như  vậy thì phê bình và tự phê bình sẽ thực sự là công cụ sắc bén, là khâu mấu chốt nhất để chỉnh đốn Đảng. Việc tự phê bình và phê bình của cán bộ cấp trên mà làm tốt sẽ là tấm gương và tạo đà cho cấp dưới. Chỉnh đốn Đảng không phải là thanh Đảng. Song thiết nghĩ ở mỗi cấp cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp có khuyết điểm, sai phạm về phẩm chất đạo đức và lối sống, quần chúng ca thán mà không thành khẩn sửa chữa. Tôi hy vọng lần này, việc phê bình và tự phê bình sẽ được làm nghiêm túc từ trên xuống dưới, được đích thân Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ, trở thành một đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn Đảng. Những ý kiến tâm huyết mong được đồng chí Tổng bí thư tham khảo.

Tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp của đồng chí. Xuân Nhâm Thìn, chúc Thời báo Kinh tế Việt Nam giành được nhiều thành tích mới và góp phần phục vụ tốt công tác xây dựng Đảng. Được biết, năm nay Giáo sư đã ở tuổi 85 mà vẫn tỉnh táo, hăng say với công việc. Kính chúc Giáo sư trường thọ.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng bí thư.