21:55 07/06/2017

“Xử lý nợ xấu chính là để bảo vệ người gửi tiền”

Nguyên Vũ

Một số ý kiến đáng chú ý từ các đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý nợ xấu, ghi nhận từ nghị trường ngày 7/6

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Hà Nội.<br>
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Hà Nội.<br>
Sốt ruột trước đống nợ xấu khổng lồ, trong cả thảo luận và tranh luận ở nghị trường hôm 7/6, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã “hiến kế” giải quyết nợ xấu.

VnEconomy giới thiệu một số ý kiến đáng chú ý về nội dung này.

Xử lý nợ xấu chứ không xử lý trách nhiệm về nợ xấu

(Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Tp.HCM)

Đây là nghị quyết mang tính chất nhất thời và cá biệt, không mang tính chất văn bản pháp quy, trong khi chúng ta đang sửa đổi luật về tín dụng và ngân hàng. Vậy có nên kéo dài đến 5 năm?

Có một số nguyên tắc tôi đề nghị ghi rõ vào nghị quyết.

Thứ nhất, đây là nghị quyết xử lý nợ xấu, không phải nghị quyết xử lý trách nhiệm về nợ xấu. Nghị quyết này cung cấp những giải pháp về pháp lý và kỹ thuật để xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm dân sự và hình sự của các tổ chức, cá nhân về các khoản nợ đó giải quyết và xử lý theo pháp luật hiện hành.

Thứ hai, không sử dụng ngân sách Nhà nước cả trực tiếp và gián tiếp mà dùng nợ vào tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để sử lý nợ xấu. Nói không sử dụng ngân sách, nhưng thực ra Nhà nước vẫn tốn kém và thiệt hại nhiều trong việc xử lý, vì cả bộ máy phải tham gia xử lý.

Thứ ba, không trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, được quy định những điểm mà pháp luật không quy định và không cấm. Nhấn mạnh kỷ luật hợp đồng theo pháp luật hiện hành và ký thế nào thực hiện thế đó.

Xử lý nợ xấu chính là để bảo vệ người gửi tiền

(Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Hà Nội)

Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10% mà không có một tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, có thể nói đây là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong thực tế, các quốc gia theo thống kê có nợ xấu từ 10% thì đã có rất nhiều các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đổ vỡ.

Trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%, do vậy xử lý nợ xấu không chỉ là bảo vệ cho hoạt động tín dụng, mà còn là bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, xử lý nợ xấu cũng là đưa 600 nghìn tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế. Với con số này, chúng ta có thể xây dựng được tới ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn.

Hiện nay đã có thị trường mua bán nợ xấu nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt những hàng hóa có giá trị các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch.

Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế, do những quy định về điều kiện để tham gia. Công ty VAMC được thành lập để đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu thì lại chưa có cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng.

Như vậy, nghị quyết xử lý nợ xấu nếu Quốc hội phê chuẩn sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn.

Một số ngân hàng đang là “con tin” của con nợ

(Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Quảng Trị)

Nếu Quốc hội chỉ cho phép xử lý khoản nợ xấu đến 31/12/2016 thì giá trị và hiệu quả của nghị quyết sẽ bị hạn chế.

Mục tiêu xử lý nợ xấu dưới 3% theo nghị quyết của Quốc hội rất khó khả thi, bởi nợ xấu là rủi ro gắn liền với hoạt động của hệ thống tín dụng ngân hàng. Mặt khác, sẽ xảy ra sự không đồng bộ, bất hợp lý và không xử lý triệt để nợ xấu.

Vì vậy, tôi đồng tình với các đại biểu đã phát biểu trước tôi là cho phép xử lý các khoản nợ xấu đã và sẽ xảy ra đến hết thời hạn hiệu lực của nghị quyết trong vòng 5 năm.

Tôi xin nhấn mạnh một vấn nạn hiện nay, thậm chí có thể gọi là quốc nạn đang hiện hữu, đó là một số ngân hàng đang là “con tin” của các con nợ lớn.

Nền kinh tế hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng ngân hàng. Vì vậy, để phát triển nền kinh tế, cả hệ thống chính trị cần phải kịp thời vào cuộc để ra tay xử lý triệt để nợ xấu, giải cứu hệ thống tổ chức tín dụng cũng là giải cứu cho nền kinh tế.