09:05 17/04/2017

Xúc tiến đầu tư không chỉ định lượng bằng tiền

Lam Giang

Nhà đầu tư lo sợ biến động chính sách và sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước

Huyện Vân Đồn, Quảng Ninh sẽ là Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai...
Huyện Vân Đồn, Quảng Ninh sẽ là Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai...
“Hiệu quả xúc tiến đầu tư của một địa phương đang được đánh giá chủ yếu thông qua kết quả thu hút vốn đầu tư mới vào địa phương. Trong khi đó, việc giữ được chân nhà đầu tư lâu dài và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại địa phương mới là thành công thực sự và bền vững...”.

Đó là quan điểm của TS.Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH VietThink đưa ra tại buổi toạ đàm “Xúc tiến đầu tư hiệu quả nhìn từ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh” diễn ra sáng ngày 14/4 tại Quảng Ninh.

Cũng theo TS. Lê Đình Vinh, các kế hoạch xúc tiến đầu tư của các địa phương thường chủ yếu tập trung vào việc quảng báo hình ảnh và giới thiệu thông tin về môi trường, chính sách đầu tư của địa phương để thu hút các nhà đầu tư và hiệu quả được tính bằng lượng vốn đầu tư mới vào địa phương.

Tuy nhiên, các dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn và các công ty đa quốc gia luôn có xu hướng thường xuyên dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác có điều kiện hấp dẫn hơn. Do đó, địa phương nào giới thiệu được nhiều hơn thì thu hút nhiều vốn và ở đây thực chất là cuộc chạy đua về truyền thông, quảng bá hình ảnh của các địa phương.

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, tại tỉnh trung vị trong khảo sát 2 năm qua cho thấy hơn 38% doanh nghiệp cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước” gây khó khăn cho doanh nghiệp, tăng 6% so với năm 2013.

Đồng thời, hơn 42% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, con số này tăng 14% so với năm 2013.

TS. Lê Đình Vinh phân tích, hiện nay chính sách thu hút đầu tư cũng như các quy định pháp lý chỉ tập trung khuyến khích, định hướng các địa phương tập trung vào thu hút nguồn vốn đầu tư mới từ bên ngoài mà ít quan tâm, thậm chí quên mất vai trò, tiềm năng và giá trị của việc tái đầu tư tại địa phương.

Trong khi đó, hoạt động tái đầu tư của doanh nghiệp không chỉ tạo giá trị kinh tế cho địa phương mà còn cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương đó thực sự ổ định, an toàn và hấp dẫn. Con số về vốn tái đầu tư thậm chí còn có ý nghĩa hơn con số vốn đầu tư mới...

“Đã đến lúc cần có một cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn về hoạt động xúc tiến đầu tư. Phải đi vào chiều sâu, nếu chỉ lấy nguồn vốn đầu vào rồi báo cáo là đã thu hút được bao nhiêu thì chưa đủ mà phải phát triển nguồn vốn đó, hiện thực hoá chính sách, ưu đãi để ngồn vốn đó phát huy hiệu quả...”, TS. Lê Đình Vinh nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết, khi xúc tiến đầu tư, cái thiếu nhất là chúng ta không có phương thức xúc tiến đầu tư thích hợp, đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến các chính sách ưu đãi như các địa phương đang đưa ra hiện nay bởi những chính sách này ở đâu cũng na ná nhau...

Họ cần thông tin đơn giản như điện có ổn định hay không, đường đi như thế nào, từ vị trí đầu tư ra sân bay, cảng quốc tế mất bao nhiêu thời gian...?.

Đơn giản là chỉ cần mất điện một giờ doanh nghiệp có thể thiệt hại lên đến hàng triệu USD và họ quan tâm đến điều đó nhưng những thông tin này chưa bao giờ xuất hiện trong các tài liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương.

Từ góc nhìn của địa phương, ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết, phần nhiều chúng ta nói là đi xúc tiến đầu tư nhưng chưa hình dung được các nhà đầu tư cần gì. Quảng Ninh từng đưa ra rất nhiều chính sách, ưu đãi nhưng khi nhà đầu tư đặt câu hỏi ngược lại mới biết mình còn thiếu nhiều... Có những vấn đề như tiếp cận đất, điện, nước đã được đặt ra nhưng trong quá trình triển khai dự án nhà đầu tư vẫn bị vướng mắc.

Như tại Quảng Ninh, một trong những điểm yếu là hệ thống thông tin chính sách còn hạn chế, chưa số hoá được dữ liệu đầu tư. Ví dụ như thông tin về đất đai, nhà đầu tư chưa được tiếp cận nhiều trên hệ thống thông tin mà phải trực tiếp đến cơ quan quản lý để hỏi và cơ quan quản lý lại tốn thời gian tra cứu...

Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Ban IPA tỉnh Quảng Ninh, cho biết, kinh nghiệm các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến nhóm hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội và thủ tục đầu tư. Chính quyền địa phương đã giải quyết thủ tục đầu tư nhanh nhưng đòi hỏi phải công khai, minh bạch và chi tiết hơn nữa để nhà đầu tư dễ hiểu, dễ thực hiện.

Cũng theo ông Hùng, năm 2012 kết quả PCI của Quảng Ninh nằm ở vị trí thứ 20 nhưng đến năm 2016 vươn lên vị trí thứ 2 cả nước. Đó là kết quả của những nổ lực thay đổi, quyết tâm hành động thực chất của tỉnh...

Tính đến nay Quảng Ninh có 10 dự án hạ tầng khu công nghiệp và 227 dự án đầu tư thứ cấp ngoài ngân sách còn hiệu lực với tổng số vớn đầu tư đăng ký hoạt động đạt 2,31 tỷ USD và 51.278 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016 đã thu hút được 530,149 triệu USD và 9.140,475 tỷ đồng, gấp 2,12 lần so với năm 2015, riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 93,45% tổng số vốn FDI thu hút trên địa bàn tỉnh.

“Phải hình thành thị trường dịch vụ hỗ trợ đi cùng với doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Hình thành hệ sinh thái xúc tiến đầu tư để việc xúc tiến không đơn thuần là việc kêu gọi vốn mà phải hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động tại địa phương... Đây là hướng đi của Quảng Ninh trong thời gian tới”, ông Hoành Danh Sơn nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH VietThink cũng cho rằng, việc hiện thực hoá chính sách, các ưu đãi của địa phương là điều quan trọng để đánh giá hiệu quả thu hút vốn đầu tư. Thực tế vướng mắc của doanh nghiệp phần nhiều đến từ những thay đổi thường xuyên của chính sách pháp luật do đó cần có tính ổn định hơn về chính sách.

Không thể để xảy ra tình trạng khi kêu gọi đầu tư thì chính sách thông thoáng, sau vài năm chính sách lại bó hẹp lại làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn...

GS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cũng cho rằng, trong quá trình thu hút đầu tư của mình thì yếu tố pháp lý vô cũng yếu. Sự can thiệp hành chính địa phương đang làm đảo lộn tất cả và gây ảnh hưởng lớn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không tiên liệu, không hạn chế được rủi ro từ chính sách và sự can thiệp của chính quyền...
 
Ngay sau buổi toạ đàm, lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữ Công ty Luật TNHH VietThink và IPA tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra.

Theo đại diện IPA Quảng Ninh, đây là sáng kiến hợp tác theo hình thức công - tư đầu tiên giữa một cơ quan xúc tiến đầu tư cấp tỉnh và một hãng luật. Đây cũng được xem là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến với Quảng Ninh.