Thủ tướng cảm ơn đại biểu chất vấn về kỷ cương phép nước
Đồng thời, ông yêu cầu chủ tịch UBND các cấp chấp hành nghiêm các bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án hành chính
"Tôi cảm ơn câu này. Câu này nói đến kỷ cương phép nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trước Quốc hội chiều 18/11, liên quan đến một chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga.
Trước đó, sáng cùng ngày, trong phiên đăng đàn của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã lên tiếng chất vấn về án hành chính.
Không làm, sẽ xử lý nghiêm
Đại biểu Lê Thị Nga nêu ba hạn chế lớn của án hành chính hiện nay. Thứ nhất là thẩm phán còn "nể nang, ngại va chạm" với chính quyền cho nên có những trường hợp thiếu khách quan và chưa công minh khi đánh giá chứng cứ. Thứ hai là tỷ lệ án hủy, cải, sửa cao. Thứ ba là án xử không thi hành được.
Không chỉ đề nghị Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết giải pháp mà còn đề nghị Thủ tướng khi đăng đàn buổi chiều cho biết sẽ xử lý như thế nào đối với các chủ tịch UBND không thi hành 85 vụ việc trong bản án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật năm 2017.
Trả lời chất vấn này, Chánh án Nguyễn Hoà Bình thừa nhận tỷ lệ giải quyết án hành chính 70% đúng là có thấp hơn mặt bằng chung của tất cả các loại án khác là 91%. Tỷ lệ hủy, sửa do lỗi chủ quan của án hành chính là 3,3%.
Về nguyên nhân, ông Bình nói sâu về quy định phiên toà phải có sự tham gia của chủ tịch UBND cấp đã ra quyết định xử lý hành chính đó. "Khi chủ tịch UBND không có mặt thì tòa buộc phải hoãn phiên tòa và hoãn hoài như thế là hình ảnh rất xấu, vụ án hành chính thực chất là vụ án giải quyết quan hệ giữa dân và chính quyền. Nếu như chính quyền cứ né hoài như thế này thì hình ảnh cũng rất dở. Nhưng chính quyền có mặt hoài thì cũng sẽ không có thời gian để giải quyết công việc khác", ông Bình phân tích.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga. ông nói: "Tôi cảm ơn câu này. Câu này nói đến kỷ cương phép nước. Đất nước không có kỷ cương phép nước thì rất có thể không ổn".
Sau đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ. Một là lời nói phải đi liền với hành động, việc làm. Hai là đảm bảo kỷ cương phép nước.
"Trên tinh thần đó, tôi yêu cầu chủ tịch UBND các cấp chấp hành nghiêm các bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án hành chính. Đây là thực hiện Nghị định 57 của Chính phủ, tôi đề nghị phải thực hiện ngay, nếu cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ", Thủ tướng nói.
Cụ thể hơn, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Tư pháp - là cơ quan được pháp luật giao quản lý lĩnh vực - rà soát báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12/2017 đối với 85 vụ việc này.
"Sau đó chúng tôi xử lý nghiêm nếu không có báo cáo xử lý giải quyết", Thủ tướng khẳng định.
Tiếp tục "đòi nợ" về quản lý ODA
Dù được dành trọn một buổi chiều, nhưng khi Thủ tướng hết giờ trả lời, vẫn còn tới 25 vị đại biểu chưa kịp chất vấn và nhiều vị mới chỉ kịp nêu chất vấn chứ chưa có câu trả lời ngay, trong số đó có đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).
Không nêu vấn đề mới mà đại biểu Hàm vẫn đeo bám những vấn đề ông đã nêu nhưng hồi âm được cho là chưa thoả đáng.
Ông Hàm cho biết ông đã chất vấn các vị bộ trưởng về nợ công ODA. Nhưng cam kết giải ngân năm nay và đến hết năm 2020 là bao nhiêu? Năm nay và kế hoạch trung hạn còn thiếu bao nhiêu dự toán so với cam kết đã ký? Do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chưa xong nên những băn khoăn này vẫn còn nguyên vẹn.
Đại biểu Hàm chất vấn Thủ tướng rằng: quản lý ODA đang có vấn đề gì mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hai lần đề nghị Chính phủ cung cấp số liệu nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tổng hợp được? Hai là quản lý theo dõi như thế có giữ được vay ODA giai đoạn 2016-2020 trong mức 300.000 tỷ Quốc hội quyết định không? Có giữ được trần nợ công không?
Vấn đề nữa đại biểu Hàm cho biết ông cũng đang băn khoăn, đó là biến động đột ngột của tốc độ tăng trưởng giữa quý 4 và quý 1 liền kề của nhiều năm gần đây.
Vị đại biểu này nói, các thành viên Chính phủ đã giải thích số liệu thống kê là đúng, biến động đó là bình thường, năm nào cũng thế, do chu kỳ sản xuất, do Tết... Ông Hàm cho biết là tin tưởng các giải thích này, nhưng ông vẫn không lý giải được sự chênh lệch như đã nói.
Cùng với nhiều vị khác, đại biểu Hàm sẽ nhận hồi âm bằng văn bản.