19:14 10/11/2017

Thủ tướng Canada không đến, TPP 11 không đạt thoả thuận như dự kiến

An Huy - Bạch Dương

Đoàn đàm phán TPP của các nước đã đưa ra những tuyên bố trái chiều nhau trong cùng thời điểm

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (bên trái) đang có mặt tại Đà Nẵng để tham dự thượng đỉnh APEC 2017 - Ảnh: Sputnik.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (bên trái) đang có mặt tại Đà Nẵng để tham dự thượng đỉnh APEC 2017 - Ảnh: Sputnik.

Trái với dự kiến, một cuộc họp đã được lên kế hoạch giữa lãnh đạo 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể diễn ra ở Đà Nẵng ngày 10/11, do bất đồng còn tồn tại về việc thúc đẩy một TPP không có Mỹ.

Theo tin từ Reuters, theo dự kiến ban đầu, lãnh đạo 11 nước TPP sẽ gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) để bàn về thỏa thuận. Từ hôm qua (9/11), đoàn đàm phán TPP của các nước đã đưa ra những tuyên bố trái chiều nhau, sau khi các bộ trưởng thương mại có cuộc gặp để vạch ra một thỏa thuận trình lên lãnh đạo 11 nước.

Trong khi đại diện Nhật Bản nói một thỏa thuận về nguyên tắc đã đạt được, thì đại diện Canada lại phủ nhận điều này.

Sự bất đồng trên một lần nữa cho thấy, thách thức mà các thành viên TPP 11 phải đối mặt trong việc vực dậy thỏa thuận đa phương này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui nhằm theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại song phương.

Cuộc họp của lãnh đạo 11 nước dự kiến diễn ra vào lúc 13h45 theo giờ Việt Nam, nhưng Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không đến, theo hãng tin Reuters.

"Cuộc họp đã không diễn ra. Các công việc vẫn tiếp tục, và đó là những gì đang diễn ra hiện tại", một quan chức Canada nói. "Chúng tôi cần làm cho mọi việc trở nên đúng đắn và điều này sẽ phải có đủ thời gian cần thiết. Chúng tôi cần phải nhớ rằng, nhiệm vụ mà các nhà đàm phán phải thực thi trong tuần này là đưa ra các lựa chọn".

Canada hiện là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ nhì trong TPP 11, chỉ sau Nhật Bản.

Cũng giống như Mexico, lập trường của Canada bị làm phức tạp hơn bởi cuộc đàm phán lại Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với chính quyền Trump.

Một nguồn tin ở Bộ Công Thương cũng xác nhận với VnEconomy, lễ ký TPP 11 đã không diễn ra như dự kiến do các bên không thống nhất được quan điểm. Riêng đại diện của Canada không tới tham dự cuộc họp của các bộ trưởng TPP theo kế hoạch ban đầu. 

Nguồn tin trên cho biết, chiều 10/11 cũng diễn ra một cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng TPP bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tại đây, các nước sẽ nghe phía Canada giải thích về việc không tham gia TPP 11. Thông tin kết quả cuộc họp sẽ được công bố sau khi kết thúc.

Thỏa thuận TPP gồm 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, đạt được vào năm 2016. Nhưng kể từ khi Mỹ rút lui, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ thỏa thuận có thể tiếp tục tồn tại. Việc vắng Mỹ khiến TPP trở nên kém hấp dẫn đối với một số quốc gia, nhưng Nhật Bản đã vận động mạnh mẽ để đạt một thỏa thuận nhằm tạo đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực.

Hiện nay, các nước còn lại trong TPP đang bàn về tạm gác một số điều khoản trong thỏa thuận ban đầu để tránh phải đàm phán lại trong trường hợp Mỹ quay lại thỏa thuận trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân APEC (APEC CEO Summit) chiều 10/11, ông Trump tuyên bố Mỹ không thể tiếp tục chấp nhận "những hành vi lợi dụng thương mại kinh niên" đối với Mỹ và kêu gọi các nước theo đuổi chính sách thương mại bình đẳng. 

Theo ông Trump, việc lập lại cân bằng thương mại giữa châu Á và Mỹ sẽ giúp bảo vệ lợi ích cho người lao động Mỹ, và đây là trọng tâm chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông.

Sau bài phát biểu của ông Trump, bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn trên nói rằng các nước châu Á-Thái Bình Dương cần "duy trì chủ nghĩa đa phương". Ông Tập nói toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược, nhưng thế giới cần phải làm sao để toàn cầu hóa trở nên cân bằng và bao trùm hơn.