09:01 05/07/2018

Thủ tướng chỉ đạo tiếp thu các phản ánh về chuyển giao công nghệ

Nguyên Hà

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi

Sau 30 năm thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài.
Sau 30 năm thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo đối với bài viết đăng trên Thời Báo Kinh tế Việt Nam liên quan đến câu chuyện chuyển giao công nghệ.

Theo Văn phòng Chính phủ, Thời báo Kinh tế Việt Nam số 153 ra ngày 27/6/2018 có đăng bài viết "Cần chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nội địa khi chuyển giao công nghệ không như kỳ vọng", đề cập vấn đề chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, phối hợp, nghiên cứu tiếp thu phù hợp các ý kiến cũng như các khuyến nghị chính sách được nêu trong bài báo để phục vụ công tác tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như công tác hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 30 năm thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Riêng trong 6 tháng năm 2018, chúng ta đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP.  Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.

FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.

"Phải thừa nhận, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định.