14:37 09/07/2019

Thủ tướng: “Chống rác thải nhựa không chỉ là phát động phong trào hay làm nửa vời”

Vy Vy

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải có chế tài rõ ràng, có chính sách thuế phù hợp với những công ty nhập khẩu, sản xuất nhựa không thể tái chế

Rác thải nhựa đang được dọn sạch
Rác thải nhựa đang được dọn sạch

Quyết tâm chống rác thải nhựa với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tới 3 lần trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 4/7 mới đây, rác thải nhựa, rác thải đại dương tiếp tục là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng không chỉ là phát động phong trào hay làm nửa vời mà phải có chế tài cụ thể, rõ ràng, có chính sách thuế phù hợp với những công ty nhập khẩu, sản xuất nhựa không thể tái chế cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhân công ở những cơ sở sản xuất nhựa.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm chống rác thải nhựa tới 3 lần. Điều này cho thấy sự "sốt ruột" của Thủ tướng khi Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, du lịch biển, nhưng lại là 1 trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương.

Kết quả nghiên cứu được công bố tạiDiễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về quản lý rác thải nhựa trên biển nhằm hỗ trợ nghề cá bền vững và an ninh lương thực ở Đông Nam Á tại Nha Trang, Khánh Hoà vào trung tuần tháng 5/2019 cho thấy, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trên toàn cầu. Trong đó, 80% rác thải nhựa trên biển là các hoạt động trên đất liền theo các dòng sông, đường thoát tuồn ra biển. Còn lại 20% trong đó cơ bản rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt nuôi trồng hải sản như bỏ ngư cụ, vật phẩm thải ra biển bừa bãi không kiểm soát. Riêng Việt Nam hiện mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.

Vì vậy, nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, và đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Mới đây, tại Lễ ra quân chống rác thải nhựa vào đầu tháng 6/2019, UBND Tp. Hà Nội đã kêu gọi và chứng kiến việc ký bộ quy tắc ứng xử chống rác thải nhựa của 41 Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn Thành phố, đồng thời đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tập trung triển khai việc tổ chức ký cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của Tp.Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến 100% các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. "Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện đúng mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon", ông Chung nhấn mạnh.

Quyết tâm chống rác thải nhựa cũng được nhiều địa phương triển khai. Từ tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, không sử dụng túi nilon hay khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần, khó phân hủy.

Tp.Hải Phòng cũng vừa ban hành văn bản số 3873/UBND-MT về việc chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng phong trào chống rác thải nhựa phải làm bền bỉ, thường xuyên mới hiệu quả. "Khi chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở địa phương vào cuộc mạnh mẽ, người dân địa phương ủng hộ, thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen dùng túi nilon, khi đó chất thải nhựa mới giảm bớt", ông Hà nói.

Bộ trưởng khẳng định, phong trào chống rác thải nhựa không chỉ tổ chức cao trào xong lại chùng xuống, mà phải làm đến khi đạt được mục tiêu như Thủ tướng nêu. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi thói quen, giải pháp về quản lý bằng các chính sách kinh tế, chính sách thuế trong hạn chế những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần cũng rất quan trọng.

"Cần có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hỗ trợ người dân bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilon", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.