Thủ tướng: Đưa các vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu sổ tay điều hành
Đưa các vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu sổ tay điều hành của lãnh đạo là yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại VBF 2018
Đưa các vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu sổ tay điều hành của lãnh đạo là yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018.
Diễn đàn diễn ra sáng 4/12 với chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu".
Trước khi Thủ tướng phát biểu, diễn đàn đã nghe nhiều kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, các nhóm công tác về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam song nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình PPP, nới lỏng môt số quy định về đất đai, tín dụng, lao động.... để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam cũng đã ghi nhận ý kiến và hồi âm ngay một số kiến nghị của các hiệp hội, các nhóm công tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông đã ghi chép không sót một ý kiến nào và giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo để chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp thu, xem xét.
"Qua nhiều lần tham dự Diễn đàn VBF, tôi cảm nhận ngọn lửa nhiệt huyết trong các bạn vẫn không ngừng cháy bỏng. Bên cạnh những gương mặt thân quen là những gương mặt mới, không chỉ những doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn mà còn là cộng đồng rộng lớn hơn với trên 600.000 doanh nghiệp Việt Nam chưa có điều kiện tham dự hôm nay. Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ và nhanh hơn nữa", Thủ tướng Việt Nam phát biểu.
Những ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình tại diễn đàn, theo Thủ tướng thì bao trùm lên tất cả, là những tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
Điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn
Thủ tướng khẳng định, Môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện.
Việt Nam giờ đã là một "công xưởng lớn" của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam theo Thủ tướng cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu tên nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam hiện là thành viên của WEF, như FPT, Vingroup, Viettel, VNPT, Vietcombank, BRG, T&T, Hòa Phát, Vietjet, Thaco ...
Hơn 130 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập trong năm 2018. Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam giờ đây không còn chơi trên sân nhà nữa mà đã dong buồm ra đại dương, đang khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt nam, Thủ tướng nói.
Tận dụng những dòng "hải lưu thương mại"
Với chủ đề của Diễn đàn là sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng "hải lưu thương mại" này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích", ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng lưu ý là từ ngày 14/1/2019, cánh cửa CPTPP đã mở ra cho các doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam đi các nước đã phê chuẩn như Nhật, Canada, Mexico, Úc,…. Một hiệp định quan trọng như vậy đã được 100% các vị đại biểu có mặt tại phiên biểu quyết tán thành phê chuẩn, Thủ tướng Việt Nam thông tin thêm.
Các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam các bạn có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất, Thủ tướng nói.
Trước các nhà đầu tư, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện tốt Chương trình hành động này sẽ giúp giảm được tối thiểu 10% chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiệu quả trên tinh thần giảm tối đa gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
"Tôi đề nghị các bộ ngành và địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo", Thủ tướng nhấn mạnh.