Thủ tướng Đức muốn Mỹ-Trung kết thúc thương chiến
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6/9 nói rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng đến toàn thế giới
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6/9 nói rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng đến toàn thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc.
Theo tin từ Reuters, tuyên bố trên được bà Merkel đưa ra khi bắt đầu cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhân chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai ngày.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có một giải pháp cho mâu thuẫn thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, vì mâu thuẫn này ảnh hưởng đến tất cả mọi quốc gia", bà Merkel nói với ông Lý.
Nền kinh tế Đức suy giảm trong quý 2 năm nay do xuất khẩu tụt dốc. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu nói rằng kinh tế Đức đang có nguy cơ rơi vào suy thoái do các doanh nghiệp nước này "vạ lây" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Nhưng trong khi Tổng thống Donald Trump muốn các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc và sản xuất nhiều hàng hóa hơn ở Mỹ, bà Merkel lại tuyên bố muốn khởi động một chương mới trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc.
Phát biểu tại Bắc Kinh, bà Merkel nói Đức mở cửa cho vốn đầu tư của Trung Quốc và chào đón tất cả doanh nghiệp Trung Quốc muốn tới hoạt động kinh doanh ở nước này. Tuy nhiên, bà Merkel cũng nói Đức kiểm soát đầu tư ở một số khu vực chiến lược nhất định và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bà Merkel đang thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư giữa EU với Bắc Kinh, giữa lúc Washington mạnh tay sử dụng công cụ thuế quan để chống lại các hành vi thương mại của Trung Quốc mà Mỹ cho là bất bình đẳng. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, gồm Đức, nhìn chung chia sẻ quan điểm chỉ trích Trung Quốc, nhưng không đồng tình với việc ông Trump dùng thuế quan để giải quyết vấn đề.
Đức - quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa khoảng 100 tỷ Euro, tương đương 111 tỷ USD, với Trung Quốc trong nửa đầu 2019 - sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong năm 2020. Khi đó, bà Merkel dự tính sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc nhằm đưa ra một lập trường chung của châu Âu đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Một hội nghị thượng đỉnh như vậy được cho là sẽ nhằm mục đích chống lại điều mà Berlin cho là chính sách "chia để trị" của Bắc Kinh đối với EU, trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng trong phạm vi sáng kiến Vành đai và Con đường. Sáng kiến này đã đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia có nhiều ảnh hưởng ở các nước nghèo hơn trong EU như Hungary và Hy Lạp.