Thủ tướng: Lãnh đạo phải buồn khi thu nhập của người dân chỉ hơn 2.300 USD
Thủ tướng lưu ý dù là những kết quả tích cực nhưng chúng ta vẫn phải khiêm tốn, "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế"
"Trong năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta đạt 2.385 USD thì có gì mà quá phấn khởi. Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải, khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp như vậy".
Ý kiến trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khi ông kết luận hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, sáng 29/12.
Theo người đứng đầu Chính phủ, sở dĩ ông nói như vậy là bởi, nhìn chung bên cạnh những kết quả đạt được đáng mừng trong năm qua, thì nền kinh tế, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng cuộc sống vẫn chưa đồng đều.
Năm của nhiều kỷ lục
Nhắc lại báo cáo trước đó của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, 2017 được xem là một năm khá thành công đối với nền kinh tế Việt Nam. Khá nhiều kỷ lục mới về kinh tế trong năm qua đã được xác lập, qua đó tạo niềm tin cho thị trường, xã hội và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể là những kỷ lục về GDP, tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp, khách du lịch đến Việt Nam...cho đến việc doanh nghiệp rót vốn vào nông nghiệp cũng lớn nhất từ trước đến nay.
"Chính chúng ta cũng không nghĩ kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lên 425 tỷ USD", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, đấy không phải thành tích nhưng muốn nêu ra để phân tích nguyên nhân vì sao đạt kết quả đó mới quan trọng.
Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã đứng vào nhóm 50 của nền kinh tế thế giới, nhưng cũng còn có nhiều kỷ lục khác trong năm như thiên tai, kỷ lục về số vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao...
Nói về nguyên nhân của những kết quả trên, Thủ tướng ghi nhận thành công trong năm qua có đóng góp của nhiều Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, cơ quan báo chí, của cả hệ thống chính trị quyết liệt, đồng bộ các cấp, trong đó có không ít cán bộ đã ngày đêm lăn lộn tìm lối đi mới vì dân, vì tỉnh nhà..
Song Thủ tướng cũng lo lắng trước tình trạng cán bộ hiện vẫn "sáng cắp ô đi tối cắp về", chỉ làm công việc trên giấy tờ rồi hoàn thành 100%".
"Cải cách, đổi mới của chúng ta phải cả hệ thống. Tôi lo nhất mà các đồng chí hay tổng kết là cấp vụ trưởng, Tổng cục trưởng; cấp sở, huyện có chịu đổi mới cải cách không? Có áp dụng công nghệ tốt không. Các vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Giám đốc sở, Chủ tịch huyện không chịu đổi mới, thay đổi tư duy thì khó khăn cho đất nước. Trên nóng, dưới lạnh cũng là từ yếu tố này", Thủ tướng nói.
Đặc biệt, trước việc quy mô nền kinh tế hiện ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 53,3 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016, Thủ tướng cho rằng vẫn là mức thấp, cần nỗ lực cho mục tiêu cao hơn.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý dù là những kết quả tích cực nhưng chúng ta vẫn phải khiêm tốn, "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Tăng trưởng cao sẽ giải quyết được nhiều việc
Giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương đối với các chỉ tiêu của 2018, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng ở cận trên so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (6,5-6,7%), tức tối thiểu phạt đạt 6,7%.
"Tăng trưởng cao thì giải quyết được rất nhiều vấn đề lắm, từ việc làm, thu nhập, nợ công…đều có thể giải quyết nhờ tăng trưởng. Tuy nhiên, cùng với đó chất lượng tăng trưởng cũng phải được nâng lên. Phải có chuyển biến mạnh mẽ hơn về mọi lĩnh vực", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân, của việc xã hội hóa đối với phát triển nền kinh tế. Thủ tướng cho biết đã báo cáo Bộ Chính trị về việc thành lập đoàn công tác để mỗi tháng sẽ xuống các địa phương kiểm tra việc phát triển kinh tế tư nhân.
"Công ty thủy sản Minh Phú ở Cà Mau vừa qua sản xuất và xuất khẩu tôm thu về được 700 triệu USD, chỉ cần thêm 300 triệu USD nữa là thành doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất thế giới", Thủ tướng nói.
Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương phải khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư các công trình, dự án, bởi đến sân bay, đường cao tốc chúng ta còn xã hội hóa được nữa là những công trình, dự án nhỏ hơn.
Tuy nhiên, cũng phải thu hút đầu tư có chọn lọc, Thủ tướng lưu ý không phải thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tính bền vững của phát triển, của tăng trưởng. Đó là xã hội phải được bình yên hơn, an toàn hơn. Người nghèo được cải thiện hơn cả về vật chất và tinh thần.
Về kế hoạch năm 2018, Thủ tướng nhìn nhận chúng ta có khá nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức khó khăn, trong đó đáng lưu ý là dư địa ngày càng ít đi, thiên tai có thể diễn biến phức tạp…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần xây dựng bộ chỉ tiêu cụ thể để bám sát thực hiện. Phải đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí ở mọi cơ quan, tổ chức. Kim ngạch xuất khẩu phải tăng thêm 10% nhưng các thương hiệu lớn phải được giữ gìn, phải tính đến lâu dài.
Lĩnh vực như nông nghiệp phải chuyển biến mạnh theo hướng tích tụ ruộng đất, phấn đấu đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 30% GDP…
"Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình", Thủ tướng nêu rõ và cho rằng, tăng trưởng nằm ở địa phương, nơi quản lý đất đai, nguồn lực, đến môi trường đầu tư, cán bộ thực hiện. Do đó, địa phương mạnh, Chính phủ, Trung ương sẽ mạnh.