Thủ tướng: "Lời trái tai là những lời báo động, cần nghe"
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm rủi ro về vĩ mô và thị trường tài chính
"Nhiều khi các bộ, ngành nghe những lời nói trái tai nhưng là những lời báo động, cần lắng nghe từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Lời nói trung thực thường là tốt, là cần thiết đối với mọi cán bộ, mọi tổ chức chúng ta".
Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông tham dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (2008 – 2018), ngày 6/3.
Tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới khó lường hiện nay cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trong đó có Ủy ban là rất nặng nề. Thị trường tài chính, tiền tệ cần phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện, hiệu quả hơn, an toàn hơn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững.
Chính vì vậy, Ủy ban cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, tập trung nghiên cứu, phát huy sức sáng tạo của tập thể và từng cán bộ, công chức, kịp thời tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là về ổn định kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường tài chính, đề xuất kịp thời những đối sách trước những biến động của tình hình quốc tế, trong nước, không để bị động, bất ngờ, nhất là ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, chứng khoán, bất động sản hiện nay.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm, trong đó có việc phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan; thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng của nền kinh tế; trong đó, 2 lĩnh vực chính là kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường tài chính.
Ủy ban phải đặc biệt lưu ý có cách làm mới, hiệu quả hơn, có phương pháp mới để phát huy năng lực của hơn 100 cán bộ, công chức. Phải bảo đảm từng người làm việc hiệu quả, có kế hoạch làm việc, có sản phẩm cụ thể gắn với đánh giá cán bộ. Không để đông mà không có sản phẩm.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ủy ban thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
"Ủy ban cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình, nhất là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính, các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, trong đó gồm cả công cụ xác định rủi ro và các tiêu chí đánh giá an toàn hệ thống tài chính, bảo đảm từng bước theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế", Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chủ động hơn, kịp thời hơn trong tham mưu đề xuất các giải pháp ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; thường xuyên cập nhật, phân tích, báo cáo tình hình tài chính quốc tế, trong nước cả về các thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và có đề xuất tham mưu kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng... Trước tình hình thế giới khó lường hiện nay cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, không được chủ quan, không để "mất bò mới lo làm chuồng".
Ủy ban chú trọng nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá, dự báo, tham mưu, tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
"Tôi có nghe nhiều nước trong khu vực áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm rủi ro về vĩ mô và thị trường tài chính một cách khá hiệu quả. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, báo cáo đề xuất cụ thể với Thủ tướng", Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, Ủy ban cần có một số hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia, diễn giả quốc tế, trong nước, tập trung bàn sâu về những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách của đất nước để kịp thời tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động phối hợp hiệu quả với các bộ, cơ quan giám sát chuyên ngành trong việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng và cơ chế giám sát các tập đoàn này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Ủy ban cần tập trung phối hợp làm tốt, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước hoạt động của cơ quan này vẫn còn nhiều khó khăn do địa vị pháp lý chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác giám sát chung thị trường tài chính, giám sát các tập đoàn tài chính, điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia là những nhiệm vụ mới ở Việt Nam; đòi hỏi cần tiếp cận cơ sở dữ liệu kịp thời, đầy đủ, tiếp cận các đối tượng giám sát trên nhiều phương diện... Do đó, một cơ sở pháp lý vững chắc hơn sẽ cung cấp cho Ủy ban điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận hiệu quả các nguồn thông tin này; từ đó tăng hiệu quả giám sát của Ủy ban.
Ông cũng cho biết, cơ quan này sẽ sớm ứng dụng và công bố thêm các mô hình cảnh báo sớm, các dự báo khoa học và thực tiễn, góp phần duy trì niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, người gửi tiền.